Multimedia Đọc Báo in

Những sáng tạo độc đáo từ “cây nhà lá vườn”

08:13, 21/02/2025

Với sự sáng tạo cùng đam mê khởi nghiệp, nhiều học sinh đã tìm tòi, nghiên cứu, chế biến nên các sản phẩm không chỉ có giá trị mà còn chất chứa cả tình yêu đối với quê hương, vùng đất mình đang sống.

Canh sấy thăng hoa từ lá ớt

Trong một lần tham gia hoạt động trải nghiệm về các buôn làng người Êđê, nhóm học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Ea H’leo) được thưởng thức món canh lá ớt. Hương vị thơm ngon, thanh mát của món ăn này khiến các em nảy ra ý tưởng chế biến một loại sản phẩm mang đặc trưng Tây Nguyên, mang tính tiện lợi, có thể đưa rộng rãi ra thị trường.

Dự án “Nghiên cứu, sản xuất canh sấy thăng hoa từ lá ớt” từ đó được các em Nguyễn Thảo My và Nguyễn Võ Ngọc Nhi (học sinh lớp 11, Trường THPT Võ Văn Kiệt) nghiên cứu và phát triển.

Nhóm học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt với dự án “Nghiên cứu, sản xuất canh sấy thăng hoa từ lá ớt”.

Em Nguyễn Võ Ngọc Nhi chia sẻ, từ xa xưa, người Êđê đã dùng lá ớt để chế biến món ăn hằng ngày. Lá ớt chứa nhiều chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa giúp hồi phục làn da và cơ thể, đồng thời có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và kích thích sản xuất insulin cho người bị tiểu đường. Tại địa phương, nguồn nguyên liệu lá ớt rất dồi dào nhưng chưa được sử dụng nhiều trong thực phẩm.

Tháng 9/2024, dự án được bắt đầu nghiên cứu. Nguyên liệu chính là lá ớt, ngoài ra còn có nấm rơm, tôm, gia vị để tăng độ thơm ngon cho món ăn. Quá trình sản xuất, các em tận dụng máy sấy sầu riêng của gia đình, áp dụng công nghệ sấy thăng hoa ở nhiệt độ âm sâu, giúp bảo đảm mùi vị, màu sắc của món ăn cũng như hàm lượng dinh dưỡng. Sản phẩm được mang đi kiểm nghiệm để đạt độ an toàn, có thể đưa ra thị trường.

Theo em Nguyễn Thảo My, việc sử dụng lá ớt làm nguyên liệu chính không chỉ tôn vinh món ăn mang đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên mà còn khai thác một nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú nhưng chưa được sử dụng triệt để. Sản phẩm hoàn thành được đưa về buôn làng cho người dân thưởng thức và nhận được phản hồi rất tốt về hương vị. Canh lá ớt thơm ngon, có mùi hương đặc trưng. Đặc biệt, món ăn này vô cùng tiện lợi, chỉ cần xé gói canh vào tô, đổ nước sôi vào và trộn đều sau 3 phút là có thể ăn được.

Đa dạng sản phẩm từ quả chuối

Với mong muốn tận dụng nguồn nguyên liệu ngay ở vườn nhà, nhóm học sinh Trường THPT Quang Trung (huyện Krông Pắc) đã cùng nhau thực hiện dự án “Nghiên cứu quy trình chế biến kẹo chuối nhằm nâng cao giá trị kinh tế của chuối tại Đắk Lắk”.

Theo em Đinh Xuân Sang (học sinh lớp 11, Trường THPT Quang Trung), chuối tại Đắk Lắk chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng tươi hoặc sấy khô, đầu ra còn bấp bênh và phụ thuộc nhiều vào thị trường. Ngay tại địa phương, lượng chuối cung cấp ra thị trường vượt xa so với nhu cầu tiêu thụ của người dân, dẫn đến giá chuối bị xuống thấp, chuối bị vứt bỏ, cho gia súc ăn...

Do đó, việc nâng cao giá trị kinh tế cho chuối thông qua đa dạng hóa đầu ra, chế biến chuối thành các sản phẩm như kẹo chuối, chuối sấy, chuối dẻo… rất cần thiết. Nghiên cứu quy trình chế biến kẹo chuối không chỉ giúp giải quyết vấn đề tiêu thụ mà còn mở ra hướng đi mới cho sản phẩm chuối tại Đắk Lắk.

Nhóm học sinh Trường THPT Quang Trung với sản phẩm kẹo chuối tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Đắk Lắk năm học 2024 - 2025.

Nguồn nguyên liệu làm kẹo chuối rất dễ kiếm, gồm: chuối, gừng, vỏ tắc, dứa, đậu phộng, mè trắng, dừa sấy, đường, mạch nha. Sau khi lựa chọn và xử lý nguyên liệu, nhóm tiến hành thực nghiệm nấu kẹo với quy trình thủ công. Trải qua nhiều lần thất bại, nhóm cũng đã thực nghiệm thành công sản phẩm với tiêu chuẩn: kẹo đủ độ mềm, dẻo, dai, thơm vị chuối, có vị ngọt thanh. Bước đầu thực nghiệm thành công, trước mắt nhóm học sinh mong muốn có thể giải quyết vấn đề thừa nông sản trong gia đình, xa hơn nữa sẽ hướng đến phát triển sản phẩm chuyên nghiệp hơn.

Cũng tận dụng nguồn nguyên liệu từ quả chuối, nhóm học sinh Cao Khánh Linh và Hồ Phạm An Nhi (học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Đình Chinh, huyện Ea Súp) đã nghiên cứu thực hiện dự án “Cách làm nước mắm chay từ quả chuối mốc và nấm hương”, cho ra đời một loại nước mắm chay đặc biệt. Xuất phát từ thực tế ngày càng có nhiều người hướng đến chế độ ăn lành mạnh, ăn chay, nên nước mắm chay không chứa cholesterol, hàm lượng i ốt thấp là lựa chọn lý tưởng cho ai quan tâm đến sức khỏe tim mạch, huyết áp.

Sản phẩm kẹo chuối của nhóm học sinh Trường THPT Quang Trung.

Từ nguồn nguyên liệu đơn giản gồm: chuối mốc, muối hạt, nấm hương, đường thốt nốt và nước, qua quá trình chế biến đã tạo ra thành phẩm nước mắm chay với thành phần tự nhiên không chất bảo quản, không chất tạo màu, thơm ngon, dinh dưỡng và có giá thành thấp. Sản phẩm cũng được gửi đi kiểm định tại Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường (Trường Đại học Tây Nguyên). Nhóm học sinh mong muốn trong tương lai sẽ hoàn thiện sản phẩm tốt hơn để mở rộng được quy mô, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Đắk Lắk năm học 2024 - 2025 vừa tổ chức vào đầu năm 2025, dự án “Nghiên cứu, sản xuất canh sấy thăng hoa từ lá ớt” đã đoạt giải Ba; hai dự án “Nghiên cứu quy trình chế biến kẹo chuối nhằm nâng cao giá trị kinh tế của chuối tại Đắk Lắk” và “Cách làm nước mắm chay từ quả chuối mốc và nấm hương” đã đoạt giải Tư.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc