Thêm một “mùa quả ngọt”
Năm học 2024 – 2025, ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk tiếp tục “gặt hái quả ngọt” tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT (Kỳ thi) với 72 học sinh đoạt giải, tăng 12 giải so với năm học 2023 – 2024, tiếp tục nằm trong top đầu các tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Chinh phục thử thách
Theo kết quả công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (TP. Buôn Ma Thuột) tiếp tục là điểm sáng trong Kỳ thi năm nay với 61 học sinh đoạt giải (2 giải Nhất môn Tin học, 11 giải Nhì, 16 giải Ba, 32 giải Khuyến khích); Trường THCS và THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột) có 10 giải (1 giải Nhì, 2 giải Ba, 7 giải Khuyến khích); Trường THPT Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ) có 1 giải Nhì ở môn Tin học.
Ở khía cạnh môn học: Tin học và Hóa học có 100% học sinh dự thi đoạt giải; Toán có 90% học sinh đoạt giải; Vật lý và Lịch sử là 80% học sinh đoạt giải.
Em Y Minh Niê, học sinh lớp 12 Anh Pháp, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (đoạt giải Khuyến khích tại Kỳ thi) phấn khởi chia sẻ, em học tiếng Pháp từ năm lớp 1 nhưng khi trúng tuyển vào lớp chuyên Anh Pháp của trường với môi trường học chuyên biệt mới thật sự kết nối, theo đuổi môn học này. Dưới sự dẫn dắt của giáo viên bồi dưỡng tiếng Pháp - cô Bùi Thị Lưu, em cùng các bạn được tiếp cận kiến thức mở rộng thông qua các chuyên đề cụ thể nhằm tự định hướng, xây dựng mục tiêu cụ thể để phấn đấu; đồng thời tiếp cận các sân chơi lớn hơn quy mô trường học với nhiều học sinh chung sở thích, đam mê tiếng Pháp (thi học sinh giỏi tỉnh, Olympic 10/3, Olympic 30/4…). Để chinh phục Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, em cùng các bạn đã có những ngày cao điểm “ăn tiếng Pháp, ngủ tiếng Pháp” gần như trắng đêm để ôn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết luận. Kỳ thi đã giúp em biết được năng lực của bản thân để cố gắng nhiều hơn trong tương lai; quan tâm hơn đến việc bổ sung kiến thức về xã hội để có những bài luận, thuyết trình sâu sắc hơn, cải thiện kỹ năng thực hành để tiếp tục theo đuổi tiếng Pháp.
![]() |
Em Y Minh Niê, học sinh lớp 12 Anh Pháp, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (thứ tư từ trái sang) trong tiết học mở rộng môn tiếng Pháp với cô giáo Bùi Thị Lưu và các bạn. |
Đại diện cho Trường THCS và THPT Đông Du, em Phu Mỹ Lan, học sinh lớp 12A1 đã theo đuổi môn Hóa học từ năm lớp 8 và gặt nhiều thành tích ở môn học trong năm học 2024 - 2025 (đoạt Huy chương Bạc môn Hóa học tại Kỳ thi Olympic 30/4 năm 2024; giải Ba môn Hóa học tại Kỳ thi). Theo Mỹ Lan, Hóa học là môn "khó nhằn" vì có khá nhiều kiến thức của môn Toán và Vật lý. Học sinh phải yêu thích môn Hóa học và đủ đam mê để “vượt khó”, biến những công thức hóa học thành kiến thức thực tế; đọc nhiều sách và đọc nhiều lần một nội dung để nắm bản chất vấn đề; sau đó là giải bài tập. Kiến thức Hóa học có hai phần nên việc tự học cũng được phân chia hợp lý theo nội dung bài học: buổi sáng học Hóa vô cơ, buổi chiều học Hóa hữu cơ; buổi tối làm bài tập, luyện đề theo các dạng đề mở của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với kiến thức thực tế cao hơn Chương trình GDPT 2006.
Tích cực hỗ trợ học sinh
Để có "mùa quả ngọt" tại Kỳ thi, bản thân mỗi học sinh, giáo viên và nhà trường phải có chiến lược học tập từ sớm với sự đầu tư chỉn chu về thời gian, công sức bởi học sinh phải vượt qua vòng loại cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh (thành lập đội tuyển) hoặc là có thành tích tại kỳ thi kế trước mới đủ điều kiện tham gia.
Cô Bùi Thị Lưu, giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi môn tiếng Pháp, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du tâm sự, tiếng Pháp là môn học đặc thù, số lượng học sinh đầu vào ít (bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 20 hồ sơ tuyển sinh lớp 10) và chỉ tuyển được khoảng 15 học sinh nên “nguồn” bồi dưỡng cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, ngay từ lớp 10, song song với việc dạy theo chương trình chung, giáo viên sẽ tăng cường các buổi học bồi dưỡng để học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản; tận dụng tối đa việc học mở rộng ngoài giờ dựa vào nguồn học liệu trên Internet qua các tiết học “Cùng đọc báo với cô Lưu” (tìm đọc các trang báo tiếng Pháp) để đọc, học từ vựng, tìm hiểu văn hóa, xã hội nhằm sử dụng khi viết luận tiếng Pháp. Những lúc học sinh gặp khó khăn, cô khéo léo lồng ghép hoạt động chương trình giải trí để kịp thời động viên, đồng hành cùng các em…
![]() |
Em Phu Mỹ Lan, học sinh lớp 12A1, Trường THCS và THPT Đông Du. |
Ở môi trường tư thục liên cấp, Trường THCS và THPT Đông Du cũng dần nổi bật trong hệ thống giáo dục của tỉnh khi liên tiếp 7 năm có học sinh đoạt giải tại Kỳ thi (25 giải).
Thầy Trần Ngọc Quang, Phó Hiệu trưởng phụ trách bậc THPT, Trường THCS và THPT Đông Du chia sẻ, song hành với quá trình đào tạo, bồi dưỡng là việc “ươm mầm”, tạo nguồn từ việc tuyển chọn đầu vào và chú trọng đào tạo, hỗ trợ học sinh mũi nhọn từ bậc THCS. Những học sinh nằm trong đội tuyển tham dự Kỳ thi sẽ được giáo viên bồi dưỡng hỗ trợ tối đa trong quá trình ôn luyện.
Hiện tại, ngành giáo dục đang tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện GD-ĐT; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà để tạo “nguồn” phát triển giáo dục mũi nhọn từ cơ sở…
Theo Sở GD-ĐT, tỉnh Đắk Lắk có 100 thí sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia năm học 2024 - 2025 ở 10 môn (mỗi môn 10 thí sinh); kết quả có 72 học sinh đoạt giải ở 10 môn, trong đó môn Tin học và Hóa học có tỷ lệ đoạt giải đạt 100%. |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc