Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ lao động tự do: Cần "lá chắn" vững chắc

06:34, 30/03/2025

Lao động tự do hay còn gọi là lao động không hợp đồng, lao động khu vực phi chính thức; phần lớn trong số đó là những lao động yếu thế trên thị trường việc làm.

Không được ký hợp đồng lao động, đồng nghĩa với việc nhóm đối tượng này không được bảo vệ quyền lợi chính đáng, khiến họ đối mặt với không ít rủi ro và bất công trong quá trình làm việc.

Lao động tự do - nhiều rủi ro

Cuộc sống khó khăn, không có tay nghề, không có công việc ổn định khiến nhiều lao động phổ thông tìm đến những công việc lao động tự do, thời vụ như chạy xe ôm công nghệ, shipper, thợ hồ, bán hàng rong, phục vụ quán ăn, quán cà phê... Biết rằng, những công việc này có vẻ tự do, ai cũng có thể làm nhưng thực tế tiềm ẩn đầy rủi ro từ thu nhập bấp bênh, nguy cơ tai nạn, bị lừa đảo, hành hung, thậm chí là bị nợ và quỵt lương...

Chỉ cần một chiếc xe, một chiếc điện thoại thông minh, thủ tục đăng ký tiện lợi, dễ dàng, thời gian linh động, không cần phải chạy chỉ tiêu hay tranh giành khách... khiến cho nghề xe ôm công nghệ, shipper trở thành công việc được nhiều lao động trẻ tìm đến trong thời đại công nghệ số hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh mức thu nhập tạm ổn, nghề xe ôm công nghệ, shipper vẫn tiền ẩn nhiều mối nguy hiểm rình rập.

Lao động làm thợ xây ở huyện Lắk làm việc trong môi trường không bảo đảm an toàn.

Còn nhớ cách đây không lâu, vụ việc một nữ nhân viên giao hàng bị hành hung, thậm chí bị dọa chém khi đang giao hàng cho khách ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), nguyên nhân được xác định do mâu thuẫn giao - nhận hàng, trả tiền khi giao hàng. Hay mới đây, mạng xã hội xôn xao vụ việc một thanh niên quê tỉnh Đắk Lắk đang làm shipper tại Bình Dương xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát trong quá trình giao hàng cho khách. Cùng với đó, nhiều vụ việc nhân viên giao hàng ở các tỉnh thành, địa phương khác bị hàng hung được lan truyền trên khắp các trang mạng xã hội; trong đó, có người bị đánh đến tử vong như vụ việc của một shipper ở Đà Nẵng trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Những rủi ro mà những người làm tài xế xe ôm công nghệ, shipper phải đối mặt không chỉ dừng lại ở nguy cơ bị hành hung, đe dọa đến tính mạng mà còn tiềm ẩn tai nạn giao thông, bị lừa tiền.

Đơn cử như trường hợp của chị N.T.C. (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột), do không có việc làm ổn định nên chị C. xin làm công việc giao hàng cho một người chuyên bán các mặt hàng gia dụng, nhu yếu phẩm qua mạng.

Công việc chính của chị là đi ship hàng cho khách trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột với chi phí mỗi đơn hàng được 10.000 đồng tiền công. Trung bình mỗi ngày, trong thời gian từ 1 giờ trưa đến tầm 7 giờ tối chị C. giao được khoảng 30 - 40 đơn hàng, nếu mọi việc thuận lợi thu nhập cũng khá ổn định.

Nhưng có những hôm phải chở quá nhiều mặt hàng, trong đó có những mặt hàng dễ vỡ như trứng, trái cây... do quá trình di chuyển làm dập, vỡ nên chị phải bỏ tiền túi để đền cho chủ. Đó là chưa kể chị đã nhiều lần bị ngã xe do chở nặng, cồng kềnh và di chuyển dưới trời mưa, đường trơn trượt hoặc va chạm giao thông với xe lưu thông trên đường.

"Khoảng trống" an sinh

Có thể thấy, do nhu cầu mưu sinh cũng như thiếu hiểu biết, nhiều lao động sẵn sàng làm việc khi người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với họ. Hơn thế nữa, những công việc này thường dễ làm, ít đòi hỏi kinh nghiệm hoặc chuyên môn kỹ thuật và mang tính thời vụ nên hầu hết họ không được ký hợp đồng lao động và phải chịu nhiều thiệt thòi từ điều kiện làm việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, thiếu bảo vệ pháp lý và không được hưởng các chế độ an sinh, phúc lợi xã hội cũng như điều kiện lao động an toàn như lao động chính thức do không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Lao động tìm kiếm việc làm tại một chương trình tuyển dụng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Việc người sử dụng lao động không ký hợp đồng gây ra rất nhiều thiệt thòi cho người lao động. Trước mắt là họ không được đóng BHXH bắt buộc và bảo hiểm y tế, dẫn đến trường hợp khi không may ốm đau, tai nạn đều không được hỗ trợ hay chi trả. Sau nữa, họ sẽ không được tăng lương theo quy định và không được cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp... Bài học từ đại dịch COVID-19 đã minh chứng khi Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng, gồm cả nhóm lao động phi chính thức nhưng thực tế nhiều người lao động tự do đã không tiếp cận được các gói hỗ trợ này.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có hơn 33 triệu lao động phi chính thức; trong đó chỉ 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% người lao động không tham gia loại bảo hiểm nào. Do không được tham gia BHXH bắt buộc nên nhiều lao động làm nghề lái xe, thợ xây khi không may bị tai nạn đã khiến cuộc sống gia đình trở nên điêu đứng, mất sức lao động kéo theo nhiều gánh nặng kinh tế….

Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường lao động việc làm hiện nay gặp biến động và tác động của sự phát triển kinh tế số, lao động phi chính thức cũng chịu không ít ảnh hưởng; trong khi đó, đây lại là đối tượng chiếm phần lớn trong lực lượng lao động. Vì thế rất cần những chính sách, giải pháp căn cơ để cải thiện cuộc sống, thu nhập, đồng thời giảm thiểu những rủi ro, bất ổn đối với lao động tự do nói chung, lao động tự do yếu thế nói riêng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Kiên quyết thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm 
Đắk Lắk có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Không chỉ gặp khó trong việc quản lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, tỉnh Đắk Lắk còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. ​​​​​​​