Tạo cơ hội cống hiến
Những năm qua, phụ nữ Đắk Lắk ngày càng tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Tuy nhiên, để nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc, hỗ trợ, phối hợp từ nhiều phía.
* Chị Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar: Đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội
![]() |
Giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng giúp tổ chức hội LHPN thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; đồng thời, thể hiện vai trò của hội trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Chính vì vậy, để cán bộ, hội viên phụ nữ có cơ hội bày tỏ chính kiến của mình với cấp ủy, chính quyền về những nguyện vọng chính đáng, những vấn đề cần được quan tâm, giải quyết, hội phụ nữ các cấp cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn, đối thoại theo các nhóm đối tượng khác nhau với các cơ quan, tổ chức, với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp để lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân quan tâm; lựa chọn được nội dung, vấn đề phản biện xã hội phù hợp, đúng, trúng để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền tạo các cơ chế phù hợp với đặc thù từng địa bàn.
* Chị Hòa Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Na, huyện Krông Ana: Chú trọng nâng cao năng lực số cho phụ nữ
![]() |
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển xã hội, đem đến nhiều cách tiếp cận mới để nâng cao quyền năng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ. Chuyển đổi số tạo ra nhiều ngành nghề mới; đồng thời mang đến cơ hội bình đẳng cho chị em về tiếp cận dịch vụ, thương mại điện tử, tiếp cận nguồn tài nguyên kiến thức dồi dào từ các khóa học trực tuyến, từ đó gia tăng cơ hội việc làm. Chị em có thể khởi nghiệp ngay tại nhà, tại địa phương mình sinh sống.
Với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực nông thôn, việc nâng cao năng lực thích ứng với kỷ nguyên số là hết sức cần thiết. Trên thực tế, các chị em đang rất cần được tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng số, kỹ năng quản trị, lãnh đạo, đặc biệt cho phụ nữ trẻ, nữ doanh nhân, nữ cán bộ lãnh đạo tiềm năng; có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để giúp phụ nữ tiếp cận và sử dụng công nghệ số trong công việc và đời sống.
* Anh Nguyễn Thành Trung Việt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn: Cần có thêm cơ chế, chính sách phù hợp với phụ nữ
Hiện nay, nhờ công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ được quan tâm cùng sự nỗ lực vươn lên của chính đội ngũ cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ không ngừng gia tăng. Nhiều cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ trẻ được tín nhiệm giữ những trọng trách và qua thực tiễn công tác đã khẳng định và phát huy được vai trò của mình trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp ngày càng nhiều.
![]() |
Mặc dù sự định kiến giới theo quan niệm truyền thống đã giảm bớt, chuyển biến theo chiều hướng ngày càng tích cực hơn, tuy nhiên, trong nhận thức của nhiều nhóm xã hội về vai trò, vị thế chính trị của phụ nữ vẫn còn có định kiến và khắt khe hơn nhiều so với nam giới. Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng và sự thăng tiến của phụ nữ trong các lĩnh vực hoạt động chính trị - xã hội. Chính vì vậy, để tạo điều kiện và cơ hội cho đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, từng bước vươn lên của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, cần có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó bản thân mỗi phụ nữ cần chủ động học tập, rèn luyện, phấn đấu để nâng cao năng lực bản thân; gia đình cần tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, chia sẻ công việc gia đình; cần có những chính sách, cơ chế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa bàn để hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Khánh Như (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc