Tháng Năm về quê Bác Hồ
Tháng Năm, đúng dịp cả nước tôn kính kỷ niệm 135 năm Ngày sinh lãnh tụ Hồ Chí Minh, tôi về quê hương của Người - “Làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha”, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Trong dòng người viếng thăm quê Bác có những người lần đầu tiên, có những người đã từng đến trước đó nhưng mỗi lần được đặt hồn mình vào không gian thiêng này là mỗi lần mới, mới trong tâm hồn bởi sự thành kính lẫn xúc động. Bình yên và rất đỗi thân thiết.
Những hàng cau quanh các nếp nhà tranh vách nứa kiểu đan nong đôi, nơi 135 năm trước Bác Hồ cất tiếng chào đời và những năm tháng được nuôi dưỡng bằng kiến văn uyên thâm của các bậc tiền nhân thường ngày đàm đạo...
![]() |
Quê ngoại Bác Hồ. |
Thế hệ măng non rất đông, các con đến tham quan và tìm hiểu học tập về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu. Trước mỗi tấm bảng ghi nội dung sự kiện, nhìn các con chăm chú ghi chép, lòng tôi trào lên xúc động. Lời thơ của Bác trở về: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Đó là sự quan tâm đặc biệt, là tình yêu thương vô bờ của Bác và cũng là mong muốn và gửi gắm của Người đối với xã hội dành cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Trước các hiện vật trong mỗi nếp nhà, bên rặng tre xanh tỏa mát lành, các hướng dẫn viên thuyết minh cho từng đoàn bằng chất giọng xứ Nghệ đặc trưng, đong đầy truyền cảm, tao nhã và hồn hậu. Họ là những sứ giả văn hóa tỏ tường sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm quê hương, gia đình đối với Người. Quanh tôi, đã có những đôi mắt rớm lệ.
Khó có thể nén được cảm xúc khi tận mắt nhìn những hiện vật đơn sơ đã gắn bó với thời niên thiếu và tuổi trẻ của Bác (Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành) để dưỡng nuôi trở thành Hồ Chí Minh, một lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hóa thế giới.
Những vật dụng thân thiết của nền văn hóa nông thôn Bắc Trung Bộ được sắp xếp tại không gian của các ngôi nhà như ngày Bác còn ở quê hương cùng cha Nguyễn Sinh Sắc và mẹ Hoàng Thị Loan: bàn thờ, án thư, bàn gỗ, trường kỷ tre, giường tre, rương đựng lương thực, ống đựng bút bằng tre của thân phụ, khung dệt vải của thân mẫu; rồi võng gai đong đầy lời ru của mẹ, bàn ăn bằng tre với những bữa cơm đạm bạc. Vẫn còn đây, rèm bằng tre nứa, gióng mây, cối đá, chum vại sành, tủ bếp, rổ rá…
Người dân làng Sen kể lại, khi về thăm quê, Bác nhìn cái rương đựng lương thực rất thân thiết với Bác và anh Cả Khiêm, Người lặng đi… rồi nói: “Các cô, các chú thật khéo giữ chiếc rương gỗ ngày xưa vẫn còn đó”. Mỗi hiện vật thân thuộc không chỉ là những câu chuyện quý báu mà người xem và nghe còn cảm nhận sâu sắc để hình dung hình ảnh Bác Hồ đang thật gần, gần lắm…
![]() |
Võng gai, khung dệt của thân mẫu Bác - cụ Hoàng Thị Loan. |
Không gian Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên vừa toát lên phẩm giá cao cả vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa gần gũi, an bình. Vẫn là vời vợi của hàng cau, vẫn là xanh mướt của luống lạc, thửa khoai lang như xưa xa ấy. Cổng vào luôn mở chiếc rèm tre, đường vào vẫn hàng râm bụt cắt tỉa chỉn chu. Vẫn những trái bưởi la đà góc sân, bờ vườn mít treo lưng chừng. Vẫn là những rặng tre và các loài cây bản xứ ôm ấp nếp nhà bình dị… Trong khuôn viên quê nội của Bác còn có rất nhiều cây lớn tỏa bóng làm dịu khí trời mùa hè nắng nỏ chói chang. Có nhiều cây do các bậc lãnh đạo cao cấp trồng lưu niệm và những cây trồng bằng tấm lòng thành kính trìu mến của bạn bè quốc tế khi về thăm quê Bác…
Về Kim Liên quê Bác mọi người còn lưu luyến bởi hương hoa dâng lên từ các loài cây, sen phủ sắc xanh và hồng các con hồ, dòng kênh, hoa giấy tim tím chào đón trước mỗi cổng nhà và hoa của nhiều cây khác nương theo gió xôn xao… Sen là loài hoa của những phẩm cách thanh cao, tỏa rạng mà bình dị, thoang thoảng đưa hương giữa no gió đồng quê. Vẳng lên trong tôi giai điệu da diết bài hát “Người về thăm quê” của nhạc sĩ Thuận Yến: “Đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen”… “Hồ Chí Minh Người là đài hoa sen tỏa ngát hương đời”…
Phan Minh Đạo
Ý kiến bạn đọc