Tư vấn, thông tin nghề nghiệp và việc làm cho 700 phạm nhân Trại giam Đắc Tân
Sáng 24/5, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trại giam Đắc Tân tổ chức Chương trình Tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho người chuẩn bị thi hành xong án phạt tù năm 2025.
Tại chương trình, 700 phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam Đắc Tân đã được nghe tuyên truyền một số chính sách dành cho người tái hòa nhập cộng đồng, các thông tin cơ bản về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; thông tin về thị trường lao động.
![]() |
Các đơn vị tham gia tư vấn, thông tin về nghề nghiệp và việc làm tại Trại giam Đắc Tân. |
Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù có thể tham gia học nghề tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh, Trung tâm GDNN – GDTX các huyện, thị xã, thành phố thuận tiện về vị trí và phù hợp với điều kiện học tập; được tư vấn chọn nghề theo năng lực và điều kiện gia đình. Sau khi học xong, người tái hòa nhập cộng đồng có thể làm việc tại địa phương hoặc khởi nghiệp với sự hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.
![]() |
Thượng tá Phạm Văn Tôn, Phó giám thị Trại giam Đắc Tân phát biểu tại chương trình. |
Các đơn vị: Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Trường Trung cấp Tây Nguyên đã trao đổi cụ thể về các khóa đào tạo sơ cấp nghề, chính sách miễn, giảm học phí dành cho người tái hòa nhập cộng đồng; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hướng dẫn kỹ năng tìm việc làm, viết hồ sơ xin việc; định hướng về các nghề phổ biến, dễ tiếp cận, phù hợp với điều kiện thực tế sau khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù.
Các phạm nhân chuẩn bị thi hành xong án phạt tù cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các điều kiện được hỗ trợ học nghề, hồ sơ đăng ký học nghề, các thủ tục để được tư vấn, giới thiệu việc làm…
![]() |
Phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù đặt câu hỏi liên quan đến chính sách đào tạo nghề. |
Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 45 cơ sở GDNN gồm: 4 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 cơ sở khác có tham gia hoạt động. Các cơ sở này hàng năm tuyển sinh hơn 40.000 học viên mỗi năm với nhiều ngành nghề phù hợp với nhu cầu lao động địa phương như: nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí, điện dân dụng, may mặc, công nghệ thông tin, dịch vụ du lịch, chế biến món ăn….
Nhiều trường, trung tâm đã được đầu tư mới hoặc nâng cấp, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu học tập, thực hành nghề nghiệp. Chương trình đào tạo gắn với thực tế, dễ áp dụng. Giáo trình được biên soạn sát với thị trường lao động địa phương. Các ngành nghề như: sửa chữa xe máy, điện dân dụng, nghề mộc, trồng rau sạch, chăn nuôi - thú y, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, chế biến nông sản... rất phù hợp với khả năng tiếp cận của người lao động sau cải tạo.
Thời gian qua, Trại giam Đắc Tân đã phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề sơ cấp như: kỹ thuật xây dựng, nấu ăn, đan lát, may công nghiệp, điện dân dụng… Nhiều phạm nhân đã được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống sau khi chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc