Multimedia Đọc Báo in

Nhiều giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

11:03, 22/12/2021

Mặc dù dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng, song thời gian qua, BHXH tỉnh đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn.

Chị Đặng Thị Dung, ở thôn 10, xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) làm nghề  buôn bán nhỏ, sau nhiều lần được nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT của xã tư vấn, vận động tham gia BHXH tự nguyện để khi hết tuổi lao động có lương hưu, chị đã chủ động đăng ký tham gia với mức 6 triệu đồng/năm chia làm 2 lần đóng. Thấy nhiều lợi ích từ BHXH tự nguyện mang lại, chị còn vận động người thân, bạn bè cùng tham gia.

Lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện không chỉ là trường hợp của chị Dung mà giờ là giải pháp được nhiều người lao động tự do chọn lựa. Đặc biệt trước tác động của dịch COVID-19, tâm lý hưởng hưu non, không tham gia BHXH đã dần thay đổi, thay vào đó là tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già.

Cán bộ BHXH huyện Ea Súp tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về lợi ích của BHXH tự nguyện.

Từ đầu năm đến ngày 30/11/2021, toàn tỉnh đã có 16.312 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 2.990 người tham gia so với năm 2020. Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhưng số người tham gia BHYT vẫn được duy trì và phát triển. Theo ông Tạ Đức Hậu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, có được thành quả này là nhờ BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực, cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, kể cả trong thời điểm nhiều địa phương, khu vực phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội. Với kinh nghiệm sẵn có, các cán bộ BHXH tại địa phương cũng như hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT trên toàn địa bàn vẫn đảm bảo công tác thu và phát triển người tham gia trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn.

 

Từ ngày 1/1/2022, ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng người tham gia BHXH tự nguyện:

- Người thuộc hộ nghèo 99.000 đồng/tháng.

- Người thuộc hộ cận nghèo 82.500 đồng/tháng.        

- Các đối tượng khác  33.000 đồng/tháng.

Để nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện và các cơ chế hỗ trợ đối với người tham gia, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, tích cực đổi mới công tác truyền thông về lĩnh vực BHXH theo hướng hiện đại, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, chú trọng tuyên truyền trên môi trường mạng xã hội (cổng thông tin điện tử, Fanpage, Zalo page của BHXH tỉnh) và tích cực, chủ động tương tác để trả lời, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp các câu hỏi, bình luận của người dân; phối hợp với UBND các cấp, các phòng chức năng trên địa bàn thực hiện truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở đến tận các thôn, buôn, tổ dân phố. Khuyến khích mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành là một tuyên truyền viên, nhằm giúp người dân hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH. Từ đó, tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia của người dân trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ của ngành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa và giải quyết nhanh chóng, kịp thời các chế độ, quyền lợi cho người tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng.

Đặc biệt, trong lễ ra quân tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình mới đây, BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh đã vận động được 438 người tham gia mới BHXH tự nguyện. Điều quan trọng là lễ ra quân này được xem là đợt tuyên truyền cao điểm, tạo phong trào thi đua sâu rộng, giúp chính sách BHXH tự nguyện lan tỏa mạnh mẽ tới từng địa phương và đông đảo tầng lớp nhân dân. Đây sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để BHXH tự nguyện tiếp tục phát triển hơn nữa.

Kim Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.