Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường

09:26, 18/09/2021

Bệnh đái tháo đường thường gây ra nhiều biến chứng ở người bệnh, trong đó có biến chứng về mắt như: bệnh Glôcôm, tật khúc xạ và nguy hiểm nhất là bệnh võng mạc do đái tháo đường. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở bệnh nhân đái tháo đường.

Bệnh võng mạc đái tháo đường không có triệu chứng rõ ràng, cộng với sự chủ quan của người bệnh nên trong nhiều trường hợp, bệnh chỉ được phát hiện khi thị giác của người bệnh đã bị tổn thương. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Đắk Lắk, người mắc bệnh võng mạc đái tháo đường chiếm khoảng 40% trong tổng số bệnh nhân có bệnh lý về đáy mắt đến khám tại bệnh viện, trong đó khoảng 5% bệnh nhân ở giai đoạn muộn, phải điều trị để phục hồi và bảo tồn thị lực.

Người bệnh đái tháo đường cần đi khám mắt định kỳ để kịp thời điều trị các biến chứng về mắt. Ảnh: Đình Thi

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, bệnh võng mạc đái tháo đường là tình trạng rối loạn các mạch máu ở võng mạc gây ra bởi bệnh đái tháo đường. Bệnh võng mạc đái tháo đường là bệnh lý nguy hiểm nhất, chiếm khoảng 1/3 số người mắc đái tháo đường. Tùy vào mức độ biến chứng khác nhau, các bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp để đảm bảo thị lực cho người bệnh.

Bà Nguyễn Thị Trinh (trú xã Đắk Phơi, huyện Lắk) đang điều trị biến chứng võng mạc đái tháo đường tại Bệnh viện Mắt Đắk Lắk. Bà Trinh cho biết, bà bị đái tháo đường trên 10 năm có tổn thương ở mắt, bao gồm tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và bệnh võng mạc tiểu đường. Lúc đầu mắt có dấu hiệu mờ, đau nhức trong hốc mắt, ruồi bay trước mắt… nhưng bà cứ nghĩ do tuổi già nên mua đủ loại thuốc bổ mắt về dùng mà không đỡ, mãi đến khi đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt mới phát hiện bị đái tháo đường đã chuyển sang giai đoạn biến chứng. 

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Minh Hải (Khoa Glocom, viêm màng bồ đào, Bệnh viện Mắt Đắk Lắk), bệnh võng mạc đái tháo đường có rất nhiều yếu tố nguy cơ. Thứ nhất,  người có thời gian bị đái tháo đường càng lâu năm thì tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường càng cao, cụ thể: người mắc bệnh đái tháo đường từ 5 - 10 năm thì tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường là 50 - 60%; từ 10 - 15 năm thì tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường là 80 - 90%. Yếu tố nguy cơ thứ hai là vấn đề kiểm soát đường huyết của người bệnh, nếu trong thời gian dài mà bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết thì dễ dẫn đến mắc bệnh võng mạc đái tháo đường sớm hơn và có diễn biến nặng nhanh hơn. Ngoài ra còn có các yếu tố liên quan đến các bệnh kèm theo như: Bệnh lý tăng huyết áp, thận, thiếu máu; giai đoạn bệnh nhân đang mang thai là giai đoạn có thể làm khả năng mắc bệnh võng mạc đái tháo đường tăng lên 3 - 4 lần.

Võng mạc đái tháo đường có rất ít triệu chứng, nhất là giai đoạn đầu bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng gì để cảnh báo là mình đã bị mắc bệnh võng mạc đái tháo đường. Hầu hết các bệnh nhân khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn, thị lực nhìn mờ, hình ảnh méo mó, hoặc mất hình ảnh… Khi võng mạc đã bị tổn thương thì rất khó điều trị, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bác sĩ Hải khuyến cáo, để dự phòng các tổn thương mắt do đái tháo đường gây nên, người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ tốt việc điều trị bệnh về chế độ dùng thuốc, ăn uống và luyện tập. Cần phát hiện và điều trị tốt các bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu; có chế độ sinh hoạt hợp lý, hạn chế sử dụng chất kích thích, thuốc lá, rượu, bia… Và điều quan trọng nhất là phải khám mắt định kỳ để kịp thời điều trị các biến chứng mắt do đái tháo đường, nhất là biến chứng võng mạc đái tháo đường. Đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 thì nên khám muộn nhất lần đầu tiên là sau 3 năm được chẩn đoán bệnh đái tháo đường và định kỳ khám ít nhất 1 năm 1 lần; đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 thì nên đi khám lần đầu tiên ngay khi chẩn đoán bệnh đái tháo đường và định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.