Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ sức khỏe bệnh nhân HIV/AIDS trong mùa dịch COVID-19

06:47, 19/12/2021

Trong năm 2021, toàn tỉnh phát hiện 82 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm 27 trường hợp so với năm 2020; trong đó có 5 bệnh nhân HIV/AIDS tử vong, giảm 7 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020. Các trường hợp nhiễm mới phân bố rải rác khắp 15/15 huyện, thị xã, thành phố.  

Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện được duy trì ở tất cả các phòng tư vấn, số trường hợp được tư vấn giảm 3,98%. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV được quản lý tại cộng đồng thấp và chưa có can thiệp đẩy mạnh hoạt động này nên tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình còn thấp. Cũng trong năm 2021, tỷ lệ người bệnh HIV/AIDS được xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi điều trị ARV đạt 14,3%. Tính đến năm 2021, lũy tích toàn tỉnh có 2.578 bệnh nhân HIV và 1.440 bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn AIDS.

Hiện bệnh AIDS chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người đã nhiễm HIV phải sống chung với vi rút suốt đời. Để duy trì cuộc sống bình thường, hằng ngày bệnh nhân HIV phải sử dụng thuốc ARV nhằm ức chế sự phát triển của vi rút, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do vi rút HIV gây ra. Thông thường người nhiễm vi rút HIV có sức đề kháng thấp hơn so với người bình thường, vì vậy, khi bệnh nhân HIV mắc COVID-19, nguy cơ bệnh diễn tiến nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ cao hơn so với những người khác. Chính vì vậy, trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bệnh nhân HIV cần phải cẩn trọng hơn để chủ động đề phòng dịch bệnh cho bản thân mình và phòng lây nhiễm HIV cho những người xung quanh.

Bệnh nhân HIV được bác sĩ khám và tư vấn tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Ảnh: Quang Nhật

Theo bác sĩ Đào Thị Hảo, Phó Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), tình trạng nhiễm HIV được phát hiện càng muộn thì nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác sẽ càng cao hơn. Trong khi đó, do sợ lây nhiễm COVID-19 khiến nhiều người dân e ngại đến các cơ sở y tế để thực hiện việc xét nghiệm HIV. Ngoài ra, do diễn biến dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân HIV bị gián đoạn quá trình sử dụng thuốc ARV khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút HIV cho người khác.

Để đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch COVID-19, các bệnh nhân HIV/AIDS cần chú ý tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sĩ. Thực hiện kiểm tra sức khỏe và tuân thủ điều trị như uống thuốc đúng liều, đúng giờ... Cố gắng tối đa liên lạc trực tuyến với phòng khám, điều trị HIV để được tư vấn, hướng dẫn. Nếu có các bệnh mãn tính khác đi kèm như: tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường… thì cần phải thực hiện khám, uống thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm kiểm soát tốt các bệnh nói trên. Đồng thời, nên duy trì lối sống lành mạnh để tăng sức đề kháng như ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngủ ít nhất 8 giờ/ngày, giảm căng thẳng; luyện tập thể dục đều đặn. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; tránh xa người đang ho, ốm; rửa/vệ sinh tay thường xuyên; hằng ngày vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc. Nếu có các biểu hiện như sốt, ho, mệt mỏi, khó thở, người bệnh cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất và làm theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.