Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS trong mùa dịch COVID-19

15:11, 05/12/2021

Để việc điều trị của các bệnh nhân nhiễm HIV không bị gián đoạn trong thời điểm dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đã có nhiều biện pháp hỗ trợ.

Những năm trước đây, với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh coi như đã mang sẵn trong mình "án tử". Thế nhưng, ngày nay, nhờ điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), người nhiễm HIV đã tìm cho mình được hy vọng mới, tiếp tục sống, làm việc như những người bình thường. Thuốc ARV là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của căn bệnh này. Điều trị bằng ARV sớm có thể làm giảm 41% tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng.

Khi tuân thủ điều trị, tải lượng vi rút HIV của người bệnh sẽ giảm xuống mức không thể phát hiện được, giữ cho người bệnh khỏe mạnh và ngăn ngừa lây truyền vi rút về sau. Nếu việc điều trị ARV bị gián đoạn, tải lượng vi rút sẽ tăng lên, cơ thể không ức chế được nồng độ vi rút, từ đó làm hệ miễn dịch của bệnh nhân yếu đi và có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, nếu bệnh nhân không điều trị ARV đều đặn, cơ thể sẽ sản sinh ra chủng HIV kháng thuốc, đồng thời gia tăng khả năng lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.

Bác sĩ Đào Thị Hảo, Phó Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh (Ảnh chụp trước ngày 27/4).

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc chăm sóc, điều trị của các bệnh nhân nhiễm HIV cũng gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, tính tới tháng 11/2021, khoa đang điều trị ARV cho 462 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó, có rất nhiều bệnh nhân ở rải rác các huyện, xã vùng sâu, vùng xa và có cả những bệnh nhân ở trong khu vực bị phong tỏa bởi dịch COVID-19 nên không thể đến nhận thuốc. Để đảm bảo người bệnh được điều trị liên tục, khoa đã triển khai nhiều giải pháp để bệnh nhân được tiếp cận nguồn thuốc.

Bác sĩ Đào Thị Hảo, Phó Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, để đảm bảo người bệnh không bị gián đoạn khi điều trị ARV, khoa đã lên kế hoạch cấp thuốc dài ngày cho bệnh nhân điều trị duy trì ổn định với thời gian 3 tháng/lần. Đối với các bệnh nhân phải cách ly, ở trong khu vực phong tỏa hoặc trong các cơ sở điều trị bệnh COVID-19, khoa đã phối hợp với cán bộ y tế tại nơi đó để họ kịp thời nhận thuốc thay và chuyển cho người bệnh sử dụng.

Anh T.V.T., một bệnh nhân trú tại huyện Cư Kuin chia sẻ, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lịch cấp thuốc của anh được chuyển thành 1 tháng/lần. Mỗi lần lên tái khám, anh được bác sĩ kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà và sử dụng thuốc một cách tận tình, kỹ lưỡng nên cảm thấy rất yên tâm.

Anh P.V.T., bệnh nhân trú tại huyện Krông Ana bộc bạch, trong lúc dịch bệnh bùng phát, thay vì phải đến tận nơi tái khám, nhận thuốc mới, anh chỉ cần gọi điện thoại gặp bác sĩ trao đổi tình hình sức khỏe theo số điện thoại được cung cấp trước đó. Sau đó các bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể các biện pháp bảo vệ sức khỏe và cấp thuốc gửi về trạm y tế xã để anh ra nhận về sử dụng. Trong thời gian này, anh luôn sử dụng thuốc theo đúng các hướng dẫn của bác sĩ nên sức khỏe vẫn ổn định.

“Đối với các bệnh nhân HIV, hệ miễn dịch của bệnh nhân đã bị suy giảm, yếu hơn so với người bình thường, do đó, nếu bị mắc COVID-19 hoặc các bệnh cơ hội khác thì dễ trở nặng hơn. Vì vậy trong mùa dịch này, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, đảm bảo đúng theo y lệnh của bác sĩ, phải có phương thức liên lạc với cơ sở điều trị, có thể qua số điện thoại hoặc online… để được hỗ trợ kịp thời” - Bác sĩ Đào Thị Hảo, Phó Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Được biết, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có những hướng dẫn cụ thể cho các tỉnh thành trong cả nước; đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS và các đơn vị liên quan lập kế hoạch xác định các phương án khả thi nhằm duy trì việc khám và cấp thuốc ARV cho người bệnh HIV/AIDS, người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) trong trường hợp có một hoặc nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS, cơ sở điều trị PrEP bị cách ly.

Trong trường hợp người bệnh đang điều trị thuốc ARV, người điều trị dự phòng PrEP bị cách ly thì cơ sở y tế đang theo dõi người bệnh chịu trách nhiệm cấp phát thuốc ARV cho người bệnh thông qua một cán bộ y tế được phân công hỗ trợ cho cơ sở cách ly. Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS có trách nhiệm điều tiết thuốc ARV giữa các cơ sở y tế trong tỉnh bao gồm cả các cơ sở chưa phải cơ sở điều trị nhưng được sở y tế giao nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.