Lợi ích của việc tiêm vắc xin mũi tăng cường trong phòng COVID-19
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron đang diễn biến khó lường trong bối cảnh bình thường mới, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai việc bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, đặc biệt đang triển khai tiêm mũi vắc xin tăng cường (mũi 3) cho các đối tượng có nguy cơ cao trên địa bàn.
Trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của ngành y tế, ông Nguyễn Minh Đức (SN 1962, trú TP. Buôn Ma Thuột) đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca vào giữa tháng 7/2021. Tính đến thời điểm hiện nay, ông đã tiêm vắc xin được 6 tháng. Là đối tượng trên 50 tuổi, lại có bệnh lý nền tăng huyết áp, tiểu đường, trong đợt triển khai tiêm mũi tăng cường lần này, ông Đức nằm trong diện ưu tiên tiêm vắc xin mũi 3. Ông Đức cho biết: "Đối với những người lớn tuổi và có bệnh lý nền như tôi thì COVID-19 là căn bệnh rất nguy hiểm. Do đó, bên cạnh thực hiện đầy đủ các biện pháp 5K, bản thân tôi luôn theo dõi lịch tiêm vắc xin để đi tiêm phòng đầy đủ. Việc được tiêm mũi 3 kịp thời giúp tôi cảm thấy yên tâm hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay".
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh THPT trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh thực hiện thông điệp 5K, việc bao phủ vắc xin phòng COVID-19 toàn dân sớm nhất, nhanh nhất, tạo được miễn dịch bền vững là một trong những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả nhất hiện nay. Tiêm vắc xin là tạo miễn dịch chủ động do kháng thể được sinh ra và theo nghiên cứu, đối với vắc xin phòng COVID-19, sau thời gian tiêm mũi 2 khoảng 3 tháng, kháng thể sinh ra từ hai liều vắc xin cơ bản bị suy giảm dần, vì vậy tiêm mũi 3 tăng cường nhằm tăng mức độ phản ứng miễn dịch làm cho kháng thể trong cơ thể lại tăng lên để chống lại tác nhân gây bệnh là SARS-CoV-2. Do đó, tiêm mũi vắc xin tăng cường là rất quan trọng. Thông thường, sau mũi thứ 2 khoảng 3 tháng, người dân sẽ được tiêm nhắc lại mũi 3. Ngoài ra, đối với người suy giảm miễn dịch hoặc những người có sức đề kháng yếu, sẽ được tiêm liều bổ sung. Liều bổ sung cũng là mũi thứ 3, tuy nhiên mũi tiêm này cách mũi 2 sau 28 ngày. Với việc tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại, mục đích là củng cố hệ thống miễn dịch để chống lại vi rút SARS-CoV-2 nhằm làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, giảm nguy cơ lây truyền, qua đó giúp khống chế dịch bệnh hiệu quả hơn.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 90% người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, lứa tuổi học sinh từ 12 - 17 tuổi đã tiêm 95%. Như vậy, về mặt miễn dịch, đối với người lớn từ 18 tuổi trở lên và trẻ em từ 12 - 17 tuổi đã bắt đầu có miễn dịch để phòng COVID-19.
Bắt đầu từ ngày 5/1, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai tiêm mũi 3 cho người dân, trong đó ưu tiên cho những người trong lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người trên 50 tuổi, sau đó sẽ bắt đầu triển khai tiêm cho tất cả những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin trước đây. Đối với liều tăng cường, khi mũi 1, mũi 2 đã tiêm vắc xin nào thì mũi 3 sẽ tiêm lại vắc xin đó. Tuy nhiên, do nguồn cung của vắc xin không đủ nên áp dụng các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, ngành y tế đang triển khai tiêm mũi 3 bằng một loại vắc xin khác so với loại vắc xin đã tiêm 2 mũi ban đầu. Cụ thể, nếu 2 mũi trước tiêm vắc xin Vero Cell, mũi 3 có thể tiêm Vero Cell, Moderna, Pfizer hoặc AstraZeneca. Đối với các trường hợp trước đây đã tiêm 2 mũi AstraZeneca, mũi 3 khuyến cáo nên tiêm lại AstraZeneca hoặc Pfizer. Còn các trường hợp đã tiêm 2 mũi Moderna, mũi 3 có thể lựa chọn giữa Moderna hoặc Pfizer. Nhìn chung việc tiêm trộn các loại vắc xin ở mũi 3 sẽ linh hoạt, an toàn, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Đến nay, hơn 3,1 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm cho toàn dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hầu hết những trường hợp có phản ứng nặng, trầm trọng xảy ra sau khi tiêm vắc xin chưa ghi nhận nhiều. Tuy nhiên những phản ứng nhẹ như sưng, đau tại chỗ tiêm, sốt, người mệt mỏi xảy ra phổ biến đối với các loại vắc xin phòng COVID-19. Do đó, những tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm mũi 3 là sốt, nhức đầu, mệt mỏi và đau tại chỗ tiêm. Hầu hết các biểu hiện này đều nhẹ hoặc trung bình, thời gian kéo dài từ một đến vài ngày, sau đó các triệu chứng sẽ không còn. Dù có thể có tác dụng phụ nhưng lợi ích của việc tiêm mũi 3 rất quan trọng. “Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khi người dân có miễn dịch sẽ giảm được nguồn lây, giảm mức độ nặng, mức độ nhập viện và tỷ lệ tử vong. Qua theo dõi từ khi tỉnh Đắk Lắk bắt đầu triển khai tiêm mũi 2 đại trà, mặc dù số mắc có tăng, tuy nhiên số trường hợp bệnh nhân nhiễm bệnh không triệu chứng rất nhiều, đồng thời các trường hợp mắc bệnh nặng phải nhập viện, cần can thiệp sâu về y tế giảm xuống. Những đối tượng nguy cơ cao như người già, người có bệnh lý nền mới có nguy cơ mắc bệnh nặng. Do đó, trong trường hợp tiêm mũi 3, ngành y tế ưu tiên cho những đối tượng trên 50 tuổi và mắc bệnh nền để bảo vệ nhóm nguy cơ”, bác sĩ Trịnh Quang Trí cho biết thêm.
Ngoài việc triển khai tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12 - 17 tuổi, sắp tới ngành y tế sẽ triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi theo kế hoạch của Bộ Y tế. Đối với trẻ từ 5 - 11 tuổi, hiện nay một số quốc gia trên thế giới sử dụng vắc xin Pfizer với liều lượng 10 microgram.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc