Cần chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà đúng cách
Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, số mắc COVID-19 (F0) trên toàn tỉnh liên tục gia tăng, trong đó có nhiều trẻ em. Hầu hết trẻ mắc bệnh đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, song vẫn cần được quan tâm chăm sóc đúng cách.
Một tuần gần 5.300 trẻ em mắc COVID-19
Vì trong nhà có người mắc COVID-19 nên chị N.T.L. (trú phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) lập tức cho con gái cách ly và theo dõi tại nhà. Sau 4 ngày theo dõi, thấy con có biểu hiện ho, sốt, chị L. mua kit test về kiểm tra cho con phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Sau khi thông báo với Trạm Y tế phường và được kiểm tra, con chị đủ các điều kiện được cách ly, điều trị tại nhà. Dưới sự tư vấn, hướng dẫn của cán bộ trạm y tế và các kiến thức đọc được, hằng ngày, chị L. thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, chỉ số SpO2 của con, đồng thời bổ sung bữa ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để con tăng sức đề kháng. Đến ngày thứ 5, con chị đã hết các triệu chứng ho, sốt và vẫn đang tiếp tục cách ly đợi ngày thứ 7 test lại kết quả.
Chỉ tính riêng từ ngày 2 đến ngày 8/3, toàn tỉnh ghi nhận 5.271 trường hợp trẻ từ 0 - 17 tuổi mắc COVID-19, trong đó có 3.912 trẻ từ 0 - 11 tuổi và 1.359 trẻ từ 12 - 17 tuổi. Còn theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ khi thành lập khu điều trị bệnh nhi mắc COVID-19 (ngày 23/2) đến nay, đơn vị tiếp nhận trên 100 trẻ F0 vào điều trị, trong đó có khoảng 60 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện, 43 trường hợp đang điều trị và 3 trường hợp có diễn tiến nặng phải thở oxy.
Một trẻ mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Theo Bộ Y tế phần lớn trẻ em mắc COVID-19 đều không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với biểu hiện viêm hô hấp cấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn. Khi trẻ mắc COVID-19, dấu hiệu hay gặp là sốt, ho, song cũng có nhiều trẻ mắc bệnh mà không có biểu hiện gì. Do đó, với trẻ nghi ngờ mắc COVID-19, gia đình cần báo với y tế địa phương để được kiểm tra, hướng dẫn cách ly, theo dõi. Những trẻ mắc bệnh có bệnh lý nền về tim, phổi, chuyển hóa, máu, suy giảm miễn dịch, non tháng nhẹ cân… nên đưa vào viện để theo dõi, điều trị.
Cần chăm sóc trẻ F0 đúng cách
Việc điều trị tại nhà ở trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ là "chìa khóa" nhằm giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe và an toàn, việc chăm sóc trẻ cần tuân theo hướng dẫn, tránh việc tự ý dùng thuốc dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Mỹ, Phó Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, khi chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ. Theo dõi sát sao nhiệt độ, đo chỉ số SpO2 ít nhất 2 lần/ngày. Vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi hoặc nước mũi đặc quánh. Nếu trẻ ho, có thể dùng các loại si rô ho thảo dược để giảm triệu chứng. Ưu tiên sử dụng thuốc ho có thành phần thảo dược, không dùng thuốc có chứa Codein cho trẻ dưới 12 tuổi. Thuốc tiêu đờm, kháng histamin chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, không nên lạm dụng các vitamin kể cả vitamin C hay multivitamin. Đồng thời không lạm dụng cho trẻ xông hơi, xông thảo dược, tinh dầu... vì không có tác dụng điều trị bệnh mà còn có thể làm trẻ tăng sự khó chịu và có nguy cơ khiến trẻ bị bỏng. Tuyệt đối không tự dùng các thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc diệt vi rút và không dùng các đơn thuốc trên mạng, các đơn thuốc truyền miệng không rõ nguồn gốc và tác dụng để tự điều trị cho trẻ.
Khi trẻ mắc COVID-19, sốt là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ, bởi đây là phản ứng bình thường của cơ thể để chống lại bệnh tật, ức chế sự phát triển của vi rút và vi khuẩn nói chung. Tuy nhiên, khi trẻ sốt cao từ 38,5 độ, phụ huynh cần cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol với liều lượng từ 10 - 15mg/1 kg cân nặng, liều dùng cách nhau từ 5 - 6 tiếng. Trường hợp trẻ sốt cao, co giật, phụ huynh cần bình tĩnh, để trẻ thông thoáng, không cần ôm hoặc đè lưỡi trẻ mà chỉ cần để trẻ nằm trên mặt phẳng cứng, yên tĩnh, tránh gió và lau mát cho trẻ bình tĩnh lại. Nếu sau 5 - 10 phút trẻ hết co giật mới đưa đến cơ sở y tế để viện kiểm tra thêm.
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Mỹ lưu ý, khi trẻ mắc COVID-19 có thể mắc hội chứng MIS-C (viêm đa hệ thống cơ quan). Đây là biến chứng tương đối nặng và xuất hiện khá muộn từ 2 - 6 tuần sau khi trẻ mắc bệnh. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Mắc COVID-19, trẻ trải qua bốn giai đoạn: Ủ bệnh, khỏi bệnh, toàn phát và lui bệnh. Giai đoạn lui bệnh là giai đoạn rất quan trọng. Cần hết sức quan tâm vấn đề dinh dưỡng, theo dõi sức khỏe. Cần theo dõi thêm từ 2 – 6 tuần sau khi khỏi bệnh để xem trẻ có mắc hội chứng MIS-C hay không, để có hướng xử trí kịp thời.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc