Multimedia Đọc Báo in

Số mắc COVID-19 tăng cao, ngành y tế quyết liệt ứng phó

08:53, 01/03/2022

Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, số ca mắc COVID-19 (F0) trên địa bàn tỉnh liên tục tăng mạnh. Để ứng phó với tình hình, ngành y tế đã mở rộng hệ thống điều trị tại hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh và bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở đáp ứng công tác điều trị F0 tại nhà.

Gia tăng trẻ em mắc bệnh

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho thấy, từ ngày 7 đến ngày 27/2, toàn tỉnh ghi nhận 17.457 trường hợp mắc COVID-19, chiếm trên 51% so với tổng số ca mắc từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay (34.063 ca). Đặc biệt, trong một tuần trở lại (từ ngày 21 đến 27/2), số mắc mới COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng vọt với 11.882 ca, trong đó có 9.622 ca bệnh ghi nhận trong cộng đồng. Đáng chú ý, số trẻ em mắc bệnh tăng mạnh, chỉ trong tuần qua ghi nhận 2.459 trẻ em từ 0 - 11 tuổi và 1.129 trẻ em từ 12 - 17 tuổi mắc COVID-19, lần lượt chiếm tỷ lệ là 20,7% và 9,5% so với số ca mắc mới trong tuần.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người có nguy cơ cao.

Theo một lãnh đạo CDC, con số ghi nhận 2.000 ca/ngày mới chỉ là bề nổi, còn số mắc mới thực tế có thể gấp 3 - 4 lần. Bởi, qua giám sát, dù không làm xét nghiệm giải trình tự gen để xác định biến thể của vi rút SARS-CoV-2, nhưng trong dịp Tết vừa qua, biến thể lây lan nhanh chủ yếu là Omicron.

Kết quả giám sát của TP. Hồ Chí Minh cho thấy có đến 76% trường hợp mắc là do biến thể Omicron. Do vậy, số mắc tăng nhanh tại Đắk Lắk chắc chắn là biến thể này. Đặc biệt, số mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh có xu hướng trẻ hóa và trẻ em mắc bệnh tăng nhiều. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy có đến 19% số mắc COVID-19 là người dưới 18 tuổi. Riêng tại Đắk Lắk, thống kê từ đầu mùa dịch đến nay, con số này là trên 30%. Từ báo cáo của thế giới cho thấy COVID-19 tác động lâu dài đến trẻ em, có thể dẫn tới viêm đa hệ thống, đa cơ quan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, những ngày qua, ngành y tế tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh triển khai, tiếp nhận điều trị bệnh nhân theo mô hình “Bệnh viện chia đôi”; yêu cầu các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 (trừ Bệnh viện Mắt); đề nghị Bệnh viện Công an tỉnh, Bệnh xá 48 tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 và thành lập các tổ tư vấn, theo dõi điều trị F0 tại nhà các trường hợp thuộc lực lượng của ngành công an, quân đội (điều trị tầng 1). Đồng thời rà soát lại các tổ COVID-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; kêu gọi các lực lượng (sinh viên tình nguyện, cán bộ y tế nghỉ hưu) tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ghi nhận tại TP. Buôn Ma Thuột - “điểm nóng” của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cho thấy, để ứng phó với tình hình số ca bệnh COVID-19 tăng cao, Trung tâm Y tế thành phố đã chủ động chỉ đạo các trạm y tế xã, phường tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, làm xét nghiệm test nhanh kháng nguyên đối với các đối tượng có nguy cơ cao nhằm phát hiện các trường hợp F0 để điều trị kịp thời và tránh lây nhiễm trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống dịch như thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố, nhằm tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở, đáp ứng nguồn nhân lực cho các trạm y tế hoạt động khi số ca bệnh tăng nhanh, số ca F0 điều trị tại nhà nhiều, Trung tâm đã huy động lực lượng tình nguyện tham gia chống dịch. Trên cơ sở lực lượng sẵn có, Trung tâm đã bổ sung nhân lực cho các trạm y tế (mỗi trạm từ 4 - 6 người).

Đáng chú ý, để kiểm soát hiệu quả tình hình dịch, chiều 28/2, UBND thành phố đã có Công văn số 575/UBND-VP về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp chống dịch COVID-19. Trong đó yêu cầu các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện chuyển hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến đối với các bậc tiểu học, THCS, THPT, tạm nghỉ học với bậc mầm non; Bệnh viện Đa khoa thành phố thực hiện nâng công suất giường bệnh điều trị F0; các xã, phường huy động phương tiện, cơ sở vật chất, nguồn lực và trang thiết bị trong công tác điều trị F0 tại nhà, đảm bảo người nhiễm COVID-19 được chăm sóc kịp thời.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dự kiến trong tháng 4 và tháng 5/2022, sau khi tiếp nhận nguồn vắc xin của Bộ Y tế cấp về, Đắk Lắk mới triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Toàn tỉnh hiện có khoảng 200.000 trẻ em trong độ tuổi này.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.