Không nên chữa bệnh Thalassemia cho trẻ bằng các bài thuốc không rõ nguồn gốc
Thalassemia (Tan máu bẩm sinh) là bệnh lý huyết học di truyền và hiện chưa có thuốc chữa. Tuy nhiên, với tâm lý muốn con nhanh chóng khỏi bệnh, không ít bậc phụ huynh có con mắc bệnh Thalassemia đã tự ý mua và sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị khiến trẻ dễ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Có con mắc bệnh Thalassemia đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, anh Trần Văn Hai (trú thôn 16, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) cho biết, con anh năm nay 7 tuổi, khi được 3 tháng tuổi, bé thường xuyên quấy khóc, gia đình đưa đi khám mới biết bé bị bệnh Thalassemia. Giai đoạn trước 3 tuổi, trung bình khoảng 3 - 4 tháng gia đình lại đưa bé vào viện một lần để truyền máu và thải sắt.
Càng lớn, thời gian nhập viện càng rút ngắn hơn, bây giờ 1 tháng bé phải vào viện 1 lần. Vì lo lắng cho sức khỏe của con, bên cạnh việc đưa vào viện điều trị, gia đình anh Hai còn tìm mua các loại thuốc được quảng bá là chữa khỏi bệnh Thalassemia cho trẻ em, nhưng cuối cùng tốn kém tiền bạc mà sức khỏe của con vẫn không tốt hơn.
“Người bán thuốc cam kết sử dụng thuốc đó bệnh của con tôi sẽ thuyên giảm, 2 - 3 tháng mới phải đi truyền máu một lần. Nhưng mua về cho cháu dùng mới biết đó chỉ là chiêu trò quảng cáo, sức khỏe của cháu vẫn ngày một yếu đi và vẫn phải đều đặn đi bệnh viện truyền máu” - anh Hai ngậm ngùi.
Một trẻ mắc bệnh Thalassemia điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Nắm bắt tâm lý của không ít phụ huynh có con mắc bệnh Thalassemia muốn con nhanh khỏi bệnh, trên mạng xã hội xuất hiện không ít bài viết quảng cáo các bài thuốc chữa khỏi bệnh hoặc giúp thuyên giảm bệnh với mục đích thu lợi nhuận, trong khi đó, người bệnh do không được thăm khám trực tiếp để có thể chẩn đoán chính xác, nên rất dễ dẫn đến tình trạng “bệnh một đằng, chữa một nẻo”. Chưa kể, các bài thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, thậm chí còn bị ngâm tẩm hóa chất độc hại để chống mốc, chống nấm... khiến người bệnh uống vào có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Anh Bùi Văn Viên (trú huyện Ea H’leo) bộc bạch, con trai anh được phát hiện mắc bệnh Thalassemia từ năm 1 tuổi. Suốt 10 năm qua, gia đình đã chạy chữa ở nhiều nơi, mua các bài thuốc nam về sắc cho cháu uống. Tốn kém nhiều tiền của nhưng không thấy hiệu quả, cuối cùng vẫn phải đi bệnh viện truyền máu để duy trì sự sống cho con. Anh Viên tâm sự rằng, từ kinh nghiệm của mình, anh mong các phụ huynh có con mắc bệnh Thalassemia chỉ nên đưa con tới bệnh viện để được truyền máu, thải sắt chứ đừng nghe theo bất cứ bài thuốc nào trên mạng hoặc truyền miệng, chỉ gây tốn kém và ảnh hưởng tới sức khỏe của con mà thôi”.
Theo TS., bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong những năm gần đây có rất nhiều trẻ đến bệnh viện điều trị bệnh Thalassemia. Hiện tại đã có hơn 400 trẻ đã được chẩn đoán mắc Thalassemia và điều trị liên tục tại bệnh viện, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận và điều trị từ 20 - 30 cháu. “Thalassemia là bệnh lý không thể chấm dứt hoàn toàn. Liên đoàn Thalassemia thế giới cũng như Hiệp hội chuyên khoa về bệnh lý Thalassemia khẳng định đến nay vẫn chưa có thuốc nào để chữa khỏi hẳn căn bệnh này. Điều trị bệnh Thalassemia hiện nay ngoài truyền máu, thải sắt, điều trị hỗ trợ, điều trị từ trong thì còn một số biện pháp cao cấp như ghép tủy, liệu pháp gen, cắt lách… Đây đều là các liệu pháp điều trị chỉ có ở các bệnh viện. Do đó, khi trẻ mắc Thalassemia, phụ huynh nên liên hệ với bệnh viện gần nhất để được hướng dẫn, điều trị kịp thời, quản lý có hệ thống . Không có một biện pháp dân gian nào có thể điều trị bệnh lý này một cách triệt để” – TS. Minh nhấn mạnh.
Được biết, tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 20.000 người bị Thalassemia thể nặng, mỗi năm có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh Thalassemia (người mang gen không có biểu hiện bệnh lý nhưng là nguồn di truyền gen bệnh cho thế hệ sau). Nếu không điều trị, bệnh Thalassemia gây tử vong rất sớm ngay từ khi còn là đứa trẻ; điều trị không đầy đủ thì có thể tử vong khi 15 - 20 tuổi. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được khi có hiểu biết đầy đủ về bệnh và có biện pháp phòng tránh từ sớm.
TS., bác sĩ Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo, các cặp vợ chồng nên tư vấn tiền hôn nhân và xét nghiệm sàng lọc trước khi kết hôn. Khi chuẩn bị có thai hoặc đang mang thai, đặc biệt là các gia đình đã có người bệnh Thalassemia thực hiện sàng lọc phát hiện bệnh sớm cho thai nhi bằng các xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán gen đột biến trong thai kỳ. Nếu cả vợ và chồng đều mang gen bệnh thì thai nhi có 25% nguy cơ bị mắc bệnh ở thể nặng, trường hợp này cần được thực hiện chẩn đoán trước sinh bằng phương pháp chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau và tìm đột biến gen. Từ đó có biện pháp can thiệp thích hợp.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc