Xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo thực phẩm chức năng lừa dối người tiêu dùng
Ngày 10/3, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hùng cùng đại diện các sở, ban, ngành có liên quan.
Theo báo cáo tại Hội nghị, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm đã có nhiều cuộc họp với các đơn vị chức năng thuộc các bộ, ngành liên quan để quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó, tham gia làm việc với các Vụ, cục chuyên ngành của Bộ thông tin và Truyền thông về việc quảng cáo thức phẩm bảo vệ sức khỏe trên các nền tảng mạng xã hội; đồng thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế ban hành các văn bản gửi các địa phương, ban, ngành về việc tăng cường quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo…
Tuy nhiên hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội. Tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Qua rà soát trên các báo, đài, website, mạng xã hội cũng như nhận được thông tin từ phóng viên, người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đã xử lý 197 trường hợp. Trong đó, năm 2021 Cục đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 28 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm cũng đã chuyển Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) 375 đường link quảng cáo vi phạm để phối hợp xác định chủ thể; chuyển Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) 24 đường link của sàn giao dịch thương mại điện tử quảng cáo vi phạm để xem xét, xử lý theo quy định.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp các ý kiến nêu lên những thuận lợi, khó khăn, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về quảng cáo thực phẩm trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quản lý quảng cáo hàng hóa dịch vụ nói chung, đặc biệt quản lý hàng hóa thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng. các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý quảng cáo hàng hóa thực phẩm bảo vệ sức khỏe; xử lý và đăng công khai trên các phương tiện thông tin các đơn vị vi phạm; tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe; rà soát, quản lý chặt điều kiện cho phép mở các website, tên miền hoạt động; kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng về quy định quảng cáo thực phẩm chức năng, nội dung quảng cáo chưa đúng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh… tạo sự hiểu lầm của người dân khi sử dụng các sản phẩm này. Các vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là báo mạng, website còn rất phổ biến, quảng cáo tràn lan trên zalo, facebook, youtube. Trong khi đó, các website có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, một số website, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình). |
Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe để sớm nghiên cứu hoàn thiện về mặt thể chế. Các bộ, ngành tăng cường chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Đề nghị Bộ Công thương siết chặt công tác quản lý hoạt động các sàn thương mại điện tử, hoạt động bán hàng đa cấp.
Bộ Thông tin và Truyền thông làm tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các trường hợp sai sự thật, quảng cáo khi nội dung chưa được kiểm chứng, lừa dối người tiêu dùng.
UBND các địa phương chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để xử lý các trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc