Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa thân tình của những bệnh nhân COVID-19 nặng

08:00, 01/04/2022

Suốt 4 tháng qua, các tình nguyện viên tôn giáo đến từ dòng sơ (nữ tu) Nữ vương Hòa Bình, TP. Buôn Ma Thuột luôn đồng hành, hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ các bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, phần nào giảm tải áp lực công việc cho lực lượng y tế trong công tác điều trị bệnh nhân, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít dành cho các tình nguyện viên tại khu COVID-19 nặng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các nữ tu dòng Nữ vương Hòa Bình tất bật làm việc liên tục nhiều giờ, tận tụy phục vụ bệnh nhân bất chấp cái nóng hầm hập và mồ hôi tuôn ra ướt đẫm. Hằng ngày, các bệnh nhân được các sơ giúp vệ sinh cá nhân, cắt tóc, chăm lo việc ăn uống, thuốc men và động viên tinh thần, trò chuyện, tâm sự. Không chỉ là nguồn động viên tinh thần cho bệnh nhân mà các tình nguyện viên còn là nguồn động viên rất lớn đối với đội ngũ y bác sĩ nơi đây.

Gội đầu, sấy tóc cho người bệnh là việc làm quen thuộc của các sơ trong giờ làm việc.

Sơ Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ, chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19 là công việc hết sức ý nghĩa. Mặc dù hằng ngày phải mặc đồ bảo hộ rất mệt và khó chịu, nhưng thấy mình giúp đỡ được cho bệnh nhân, an ủi họ lúc cô đơn, lo lắng và buồn bã nhất nên mọi sự mệt mỏi đều tan biến. Xem mỗi bệnh nhân đều như người thân nên sơ luôn chăm sóc bằng cả tấm lòng yêu thương và chia sẻ tận tình. Còn với sơ Lê Thị Thịnh, những ngày làm việc tại cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, sơ đã cảm nhận được nỗi đau đớn, sự bất ổn về tâm lý của người bệnh một cách chân thực nhất, từ đó bản thân sơ luôn cố gắng chăm sóc, sẻ chia, đem lại niềm vui, sự bình an cho những người đang từng ngày vật lộn với căn bệnh nguy hiểm này.

Phải nhập viện điều trị tại khu COVID-19 nặng, đối với bệnh nhân đó là sự lo lắng, buồn bã và cô đơn. Do đó, sự hiện diện của các sơ ở phòng bệnh, bên cạnh việc đồng hành, giúp đỡ, chăm sóc, tắm rửa…, các bệnh nhân ở đây còn được trò chuyện, chia sẻ, cổ vũ, đó là niềm an ủi, khích lệ rất lớn về mặt tinh thần. Ông Nguyễn Xuân Tưởng (trú xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) bộc bạch, 10 ngày túc trực bên giường bệnh của bố, chứng kiến những việc làm ý nghĩa của các sơ, ông rất cảm động. Khi người nhà bệnh nhân không thể vào được, các sơ đảm nhận hết việc chăm sóc người bệnh, từ thay bỉm, tắm rửa đến bón từng miếng cơm, miếng nước đều không nề hà.

Hằng ngày các sơ vẫn chăm sóc, đút cơm, cháo cho những bệnh nhân COVID-19 nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tính, Chuyên khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, sự hỗ trợ của các tình nguyện viên là vô cùng cần thiết, giúp đơn vị giảm áp lực về nhân sự. Các tình nguyện viên đã và đang đảm trách phần nào công việc của các điều dưỡng, hộ lý ở tuyến đầu, giúp bệnh viện làm tốt hơn nữa công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. “Ngoài việc điều trị bằng thuốc, thì điều trị bằng tình yêu thương, bằng tinh thần là rất quan trọng đối với bệnh nhân COVID-19. Không ít bệnh nhân vào nhập viện trong trạng thái suy sụp vì thấy nhiều người tử vong do mắc COVID-19 và họ luôn tự hỏi không biết bao giờ đến lượt mình, dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng. May nhờ có các sơ động viên, khích lệ và cổ vũ khiến bệnh nhân có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật” - bác sĩ Tính chia sẻ.

Trong “cuộc chiến” với đại dịch COVID-19, việc các tổ chức tôn giáo huy động mọi nguồn lực, chung tay cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh là việc làm hết sức thiết thực, không chỉ khẳng định mục tiêu của tinh thần phụng sự, đồng hành cùng dân tộc trong các tôn giáo, mà còn thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.