Multimedia Đọc Báo in

Điều trị rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19

08:27, 17/04/2022

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận có hơn 200 triệu chứng hậu COVID-19 phổ biến thường gặp: Khó ngủ, đau cơ khớp, khó thở, hụt hơi, hay quên, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, đau ngực…

Trong đó, rất nhiều người phải đối mặt với tình trạng mất ngủ hậu COVID-19. Nhiều bệnh nhân bị mất ngủ do có cảm giác lo lắng, cô đơn, thậm chí trầm cảm. Bên cạnh đó, nỗi sợ hãi vì tác động của bệnh, lo lắng về tương lai, khó khăn kinh tế… khiến nhiều người gặp stress, dẫn đến mất ngủ, sụt cân…

Rối loạn giấc ngủ có nhiều hình thái và biểu hiện thể hiện mức độ phức tạp của bệnh tình. Ảnh: Internet
Rối loạn giấc ngủ có nhiều hình thái và biểu hiện thể hiện mức độ phức tạp của bệnh tình. Ảnh: Internet

 Để xác định mất ngủ do hậu COVID-19, bệnh nhân cần đánh giá, so sánh giấc ngủ của mình trong thời gian trước và sau khi mắc COVID-19 bằng những tiêu chí như: Đi ngủ lúc mấy giờ và tỉnh dậy lúc mấy giờ? Ngủ được bao nhiêu giờ mỗi đêm? Giấc ngủ có bị gián đoạn hay không? Có cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy hay không?

Để cải thiện các triệu chứng hậu COVID-19, bệnh nhân cần thăm khám sớm sau khi khỏi bệnh. Nếu vẫn thấy ho, sốt, khó thở, hoặc có rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi… cần đi khám để làm các xét nghiệm cần thiết, từ đó sẽ xác định được các triệu chứng có phải do hậu COVID-19 hay không và có hướng xử trí kịp thời, đúng cách.

Để điều trị mất ngủ hậu COVID-19, có thể kết hợp nhiều liệu pháp. Trong đó, các trị liệu tâm lý bao gồm trị liệu về giao tiếp, tư vấn, giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ về các triệu chứng COVID-19, các biện pháp hồi phục triệu chứng để giảm bớt lo âu. Với những người bị căng thẳng, lo lắng và ảnh hưởng đến tâm lý nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn và hiểu thêm về cách đối mặt và khắc phục ảnh hưởng của COVID-19.

Cùng với đó, bệnh nhân cần được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ để lấy lại sức khỏe tốt nhất sau khi khỏi bệnh. Nên bổ sung đủ nước, chất xơ, protein, tinh bột và vitamin để phục hồi tối đa các mô bị tổn thương. Người khỏi bệnh nên bắt đầu chế độ ăn hậu COVID-19 bằng việc chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Hạn chế ăn đồ ngọt nhiều đường, không uống rượu, hút thuốc lá, tránh uống nhiều cà phê hay trà vì có thể gây khó ngủ.

Một điều quan trọng nữa là cần chú ý vệ sinh giấc ngủ. Đó là giữ phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối, nhiệt độ thích hợp, nệm, gối thoải mái. Có thể nghe nhạc nhẹ nhàng trước giờ ngủ, hoặc thư giãn bằng bồn tắm hoặc vòi hoa sen nước ấm, đọc sách hoặc thiền 30 phút trước khi đi ngủ. Tránh uống trà, cà phê trong vòng 6 - 8 giờ trước giờ ngủ. Tránh uống rượu, bia trước giờ ngủ, vì bạn sẽ bị thức giấc nhiều lần trong đêm và rượu/bia chỉ "hạ gục" bạn chứ không mang lại giấc ngủ tự nhiên. Uống ít nước trước khi ngủ, để không bị đánh thức vì tiểu đêm. Tránh ăn quá no, hoặc vận động mạnh trước giờ ngủ. Tránh xem điện thoại, tivi, laptop… trong vòng 1 giờ trước khi ngủ. Nếu không ngủ được khi nằm trên giường quá 20 phút, nên ra khỏi giường. Sau đó làm việc nhẹ nhàng trong ánh sáng êm dịu (làm việc nhà, nghe nhạc, tập hít thở, thiền, viết ra những suy nghĩ trong đầu..) sau đó quay lại giường khi thấy buồn ngủ.

Với những người bị stress, trầm cảm nhẹ gây mất ngủ có thể cần dùng thuốc điều trị. Nhưng các thuốc chữa trị tâm lý và tâm thần sau khi COVID-19 phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Trong dân gian có nhiều cây thuốc chữa mất ngủ, ít tác dụng phụ như: Lạc tiên, lá vông, tâm sen, bình vôi, cây đinh lăng, xấu hổ, lá dâu tằm, hoa tam thất… có thể sử dụng. Ngoài ra, y học cổ truyền còn có các phương pháp điều trị mất ngủ hiệu quả và ít tác dụng phụ như: thuốc từ dược liệu, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh, thư giãn, ngâm thuốc thảo dược…                                       

Bs. Nguyễn Thị Thúy

(Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.