Multimedia Đọc Báo in

Tiêu chảy hậu COVID-19 nên ăn uống thế nào?

07:40, 22/03/2022

Khi bị COVID-19, do virus làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa hoặc do dùng thuốc dẫn đến tiêu chảy. Tình trạng này có thể gặp sau khi âm tính. Do vậy, người bệnh cần lưu ý chế độ ăn uống để nhanh phục hồi chức năng tiêu hóa.

1. Nguyên nhân gây tiêu chảy ở người mắc COVID-19

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân gây tiêu chảy ở người mắc COVID-19 có thể do một số trường hợp uống nhiều thuốc, nhiều kháng sinh dẫn tới tiêu chảy.

Người bệnh ngoài các biểu hiện về hô hấp còn có các triệu chứng về bệnh đường tiêu hoá như nôn ói, tiêu chảy. Đây cũng hiện tượng bình thường vì khi nhiễm virus, tiêu chảy là cách thải virus qua đường tiêu hoá.

Ngoài ra, có thể do chế độ ăn uống không thích hợp, do bồi bổ quá nhiều hoặc ăn các thực phẩm không quen cũng dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy…

Tiêu chảy là triệu chứng dễ gặp ở người bệnh hậu COVID-19.
Tiêu chảy là triệu chứng dễ gặp ở người bệnh hậu COVID-19.

Khi có dấu hiệu bị tiêu chảy, người bệnh nên tham khảo tư vấn của bác sĩ về việc dùng thuốc. Nếu bị tiêu chảy dưới 5 lần/ngày, nên uống nhiều nước, bù điện giải, ăn uống hợp lý sẽ nhanh khỏi.

Trong trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy nhiều lần/ngày hoặc phân có dịch nhầy hay máu cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị phù hợp.

2. Chế độ dinh dưỡng cải thiện tiêu chảy hậu COVID-19

Để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy sau khi mắc COVID-19, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cần ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu để cung cấp đủ năng lượng và nhanh phục hồi hệ tiêu hóa. Hạn chế thực phẩm gây kích thích và có thể làm tổn thương đường tiêu hóa.

2.1. Thực phẩm người bị tiêu chảy nên dùng

Khi bị tiêu chảy, người bệnh nên ăn thực phẩm giàu tinh bột như gạo, khoai tây, bánh mì…; Thực phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua, sữa đậu nành, sữa không có lactose; trái cây như chuối, táo, cà rốt…

Thức ăn nên nấu mềm, dạng lỏng nhiều nước như cháo, súp... Khi đỡ hơn có thể ăn đặc dần lên.

Người bị tiêu chảy nên ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như cháo.
Người bị tiêu chảy nên ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như cháo.

Một số món ăn thích hợp với người bị tiêu chảy bao gồm: cháo trắng muối, cháo thịt băm, súp gà, cháo thịt gà, cháo thịt lợn nạc nấu với cà rốt, khoai tây, bí đỏ…

Những món ăn này bổ sung dinh dưỡng, dễ hấp thu, bù nước cho cơ thể và cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp người bệnh tiêu chảy nhanh hồi phục.

2.2. Người bị tiêu chảy nên uống nước gì?

Người bệnh bị tiêu chảy cần uống nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn.

Các loại nước uống phù hợp với người bị tiêu chảy bao gồm: nước chín, nước canh, nước cháo, nước trái cây (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi…

Có thể sử dụng nước gạo rang, nước cơm, nước cháo muối, cháo đường, nước dùng nấu cà rốt… rất tốt để bù nước và chất điện giải.

2.3. Những thực phẩm cần hạn chế khi bị tiêu chảy

Vì thức ăn nhiều chất béo làm tăng tốc độ co bóp của ruột, có thể làm trầm trọng các triệu chứng của bệnh.

- Cần lưu ý tránh một số thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng như: đậu, bông cải xanh, cải bắp, súp lơ trắng, một số loại trái cây khô như mơ khô, mận khô, nho khô…

Thức ăn nhiều chất béo có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy.
Thức ăn nhiều chất béo có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy.

- Trong trường hợp người bệnh có biểu hiện không dung nạp lactose cần tránh sữa và các sản phẩm từ sữa.

- Các loại đồ uống như: rượu, cà phê và nước có gas không gây tiêu chảy nhưng chúng có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa. Người bệnh nên tránh các loại đồ uống này cho đến khi tình trạng bệnh ổn định.

- Không ăn rau sống và các thực phẩm chưa được nấu chín kỹ, thực phẩm không an toàn.

3. Có nên bổ sung thực phẩm giàu kẽm khi bị tiêu chảy?

Khi bị tiêu chảy, niêm mạc ruột bị tổn thương nên việc bổ sung thực phẩm giàu kẽm góp phần thúc đẩy nhanh sự hồi phục của đường ruột. Kẽm cũng giúp tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ biếng ăn sau tiêu chảy, giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

Để bổ sung kẽm, tốt nhất người bệnh cần chú ý ăn những thực phẩm chứa nhiều kẽm như: thịt gà, trai, hến, tôm, cua, các loại hạt, các loại rau củ như nấm, rau chân vịt…

Tuy nhiên, nếu bổ sung kẽm dạng thuốc, cần có sự tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý dùng.

Theo BS. Đặng Xuân Thắng - Trường Y Dược - Đại học Duy Tân Đà Nẵng:

•    Chỉ sử dụng thuốc khi được tư vấn từ bác sĩ.

•    Đối với các trường hợp tiêu chảy kèm sốt, đau bụng quặn từng cơn, mót rặn, đi ngoài phân lỏng lẫn nhày máu, nôn mửa nhiều hoặc tiêu chảy dữ dội và liên tục nhiều lần/ngày, phân toàn nước như nước vo gạo cần nhập viện ngay để điều trị kháng sinh.

•    Ăn chín - uống nước đã đun sôi.

•    Có thể uống nước trái cây bổ sung thêm vitamin C và điện giải.

•    Ăn nhiều rau xanh…

•    Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

•    Vệ sinh môi trường sống xung quanh.

 

Theo Sức khỏe và Đời sống


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.