Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo tình trạng rối loạn tâm thần hậu COVID-19

15:07, 15/05/2022

Sau khi khỏi bệnh COVID-19, nhiều bệnh nhân có các biểu hiện như: căng thẳng kéo dài, ra mồ hôi tay chân, run tay chân, bồn chồn, xử lý công việc mất bình tĩnh, lo âu, đứng ngồi không yên, mất ngủ kéo dài hoặc khi ngủ hay bị ám ảnh về thời gian nằm viện (đối với người bị COVID-19 nặng), giảm trí nhớ, hay cáu gắt quá mức, không tập trung... Đây là các dấu hiệu của rối loạn tâm thần hậu COVID-19.

Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh gia tăng bệnh nhân đến khám các chứng rối loạn tâm thần sau COVID-19. Chỉ tính từ tháng 1/2022 đến nay, bệnh viện đã khám và điều trị cho 6 trường hợp bị rối loạn tâm thần hậu COVID-19. Đáng lo ngại là tất cả những trường hợp này đều là người trẻ tuổi, trước khi mắc COVID-19 có sức khỏe hoàn toàn bình thường.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân T.T.V. (20 tuổi, ở TP. Buôn Ma Thuột) sau điều trị COVID-19 khoảng một tháng thì xuất hiện các triệu chứng mất ngủ, thường xuyên bị hồi hộp, đánh trống ngực. Gia đình đã đưa V. đi khám ở nhiều nơi, làm tất cả các cận lâm sàng từ xét nghiệm máu, chụp X-Q phổi, điện tim, điện não… nhưng không phát hiện tổn thương nào. Về nhà được một thời gian thì tình trạng bệnh của V. ngày càng nặng, có các dấu hiệu bất thường, người cứ bần thần khó tả, và gần đây nhất là bắt đầu có hành động quậy phá, kích động mạnh, la hét… Gia đình đưa V. đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh khám thì các bác sĩ chẩn đoán V. bị rối loạn tâm thần hậu COVID-19.

Cần thăm khám và điều trị đúng chuyên khoa nếu có dấu hiệu bất thường về tinh thần. Ảnh: Quang Nhật

Sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân N.Q.D. (30 tuổi), công nhân tại TP. Hồ Chí Minh trở về Đắk Lắk. Thời gian gần đây, D. bị mất ngủ liên tục, thường xuyên nói lảm nhảm một mình, cảm xúc không ổn định, vui buồn thất thường, không định hướng và không làm chủ được bản thân. Thấy D. có biểu hiện lạ nên gia đình đã đưa đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh để khám và điều trị.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Duyên, Trưởng khoa khám, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, rối loạn tâm thần hậu COVID-19 là trường hợp những người sau khi điều trị khỏi COVID-19 xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng như: mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, mất ngủ... Trong đó triệu chứng mất ngủ là hay gặp nhất. Mắc COVID-19 càng nặng, thể tâm thần càng tăng. Tất cả những triệu chứng này nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.

Bác sĩ Duyên cho biết, các bệnh nhân tâm sự rằng, sau khi mắc COVID-19 thì luôn cảm thấy chán nản, bi quan tiêu cực, mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần, không có động lực, dễ nổi nóng, nói lời khó nghe với người khác dù bản thân không cố ý. Có bệnh nhân thậm chí còn nghĩ đến chuyện tự tử; lại có người chán ăn, không còn hứng thú với sở thích của mình và mất phương hướng trong tương lai.

Những dấu hiệu trên nếu được phát hiện sớm, người bệnh hợp tác tuân thủ điều trị thì bệnh sẽ được cải thiện. Ngược lại, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì chứng rối loạn lo âu, trầm cảm sẽ tiến triển theo tính chu kỳ, lặp đi lặp lại và ngày càng nặng hơn.

Điều lo ngại nhất hiện nay là nhiều người có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nhưng không hề hay biết, đi khám nhiều nơi, làm nhiều loại xét nghiệm và cận lâm sàng, uống nhiều loại thuốc nhưng không khỏi bệnh. Đến khi phát hiện ra vấn đề mình gặp phải thì đã quá muộn, thậm chí là gây ra hậu quả. Ví dụ như triệu chứng trầm cảm, không khám kịp thời thì dẫn đến nguy cơ tự sát, có hành vi nổi loạn, đập phá, đánh chém người, thậm chí có thể giết người…; còn nếu bị mất ngủ lâu dài, suy nhược trí nhớ thì sẽ ảnh hưởng đến sức lao động.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị cho bệnh nhân rối loạn tâm thần do hậu COVID-19 mà chỉ điều trị triệu chứng. Do vậy, khi người bệnh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 cần có biện pháp cân bằng cuộc sống, thực hiện bài tập hoạt động thể thao giúp cho máu lưu thông để giấc ngủ được tốt hơn. Nếu các bài tập đó chưa cải thiện được tình trạng thì bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám, điều trị”, bác sĩ Duyên khuyến cáo.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.