Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo tình trạng trẻ em mắc hội chứng MIS-C hậu COVID-19

08:12, 04/05/2022

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 10 trẻ mắc hội chứng MIS-C (viêm đa hệ thống) hậu COVID-19, trong đó có nhiều trường hợp trẻ biểu hiện nặng, sốc, suy hô hấp, suy tim nguy hiểm đến tính mạng.

Đang chăm sóc con tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì mắc hội chứng MIS-C hậu COVID-19, chị Vũ Thị Hương (trú phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, cách đây hơn một tháng, đứa con trai 7 tuổi của chị có biểu hiện sốt, sau khi cho con uống thuốc hạ sốt và thấy con hết sốt cũng như không mệt mỏi gì nên chị không test COVID-19 cho con. Tuy nhiên, cách đây ít ngày, con chị liên tục sốt cao dù đã uống thuốc hạ sốt. Vì lo lắng nên gia đình đưa cháu nhập viện, sau khi bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, kết quả cho thấy cháu bị MIS-C hậu COVID-19.

"Do không nghĩ con mình mắc COVID-19, vì thế gia đình chủ quan không theo dõi hậu COVID-19 nên không biết cháu mắc MIS-C để đưa cháu nhập viện sớm hơn. Những ngày đầu nhập viện, cháu sốt gần 41 độ, ăn vào là nôn ói khiến tôi lo lắng vô cùng. Tôi thấy hội chứng MIS-C này quá nguy hiểm, trẻ không những sốt mà còn sốt rất cao, không làm sao hạ sốt được. Nếu theo dõi và biết về hội chứng này sớm, đưa con đi điều trị sớm thì chắc sức khỏe của cháu đã tốt hơn nhiều rồi”, chị Hương chia sẻ.

Một trẻ mắc hội chứng MIS-C hậu COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Còn anh Nguyễn Chí Vũ (trú  phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đến giờ vẫn còn nguyên cảm giác lo lắng và bất ngờ khi bác sĩ cho biết con gái của anh mắc hội chứng MIS-C hậu COVID-19. Theo anh Vũ, cách đây khoảng một tháng con gái anh mắc COVID-19. Vì bé hầu như không có biểu hiện gì nên sau 5 ngày theo dõi tại nhà, kết quả test nhanh của cháu âm tính nên gia đình khá yên tâm. Tuy nhiên, những ngày gần đây, cháu đột nhiên sốt cao liên tục không cắt được cơn sốt, người bắt đầu nổi phát ban, chóng mặt, đau đầu, nôn ói, không ăn uống được gì. Gia đình đưa cháu nhập viện, làm xét nghiệm cho kết quả cháu bị MIS-C.

“Khi vào nhập viện, con tôi đã ở mức độ nặng. Rất may được các bác sĩ tận tình cứu chữa, đến nay sức khỏe cháu đã dần ổn định, cháu đã hết sốt, bắt đầu ăn uống được. Trước đây tôi cứ nghĩ hội chứng MIS-C chắc không có gì nghiêm trọng, nhưng khi con mình bị, tôi mới thấy việc theo dõi trẻ để phát hiện kịp thời các triệu chứng MIS-C hậu COVID-19 là điều hết sức cần thiết"", anh Vũ bày tỏ.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hội chứng MIS-C là tình trạng viêm các cơ quan khác nhau bao gồm: tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ em vào thời điểm khoảng 4 - 8 tuần sau khi mắc COVID-19. Đây là phản ứng miễn dịch rất nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho trẻ, để lại nhiều di chứng hoặc dẫn tới tử vong. Trong một tháng gần đây, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận trên 10 ca mắc MIS-C hậu COVID-19, trong đó có những trẻ có biểu hiện rất nặng, tổn thương tim, các cơ quan, rất may tất cả các trường hợp đều đáp ứng tốt với điều trị, không có trường hợp nào tử vong.

Để trẻ không mắc hội chứng MIS-C hậu COVID-19, nên bảo vệ trẻ, không để trẻ mắc COVID-19, đồng thời cho trẻ tiêm vắc xin phòng COVID-19 để giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỷ lệ bệnh nặng và giảm tỷ lệ tử vong khi mắc COVID-19.

MIS-C hậu COVID-19 tiến triển ở nhiều mức độ, từ nhẹ, trung bình đến nặng. Thường khoảng 4 - 8 tuần, trung bình là 6 tuần sau khi trẻ mắc COVID-19, trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trên 3 ngày, phát ban, tiêu chảy, mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi dâu, lừ đừ, tay nổi hồng ban… sẽ được làm các xét nghiệm để chẩn đoán mắc MIS-C hậu COVID-19 và được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Nếu trẻ mắc MIS-C hậu COVID-19 không được điều trị thì sẽ bị tổn thương tim gây suy tim, tổn thương mạch vành, thậm chí tử vong.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh khuyến cáo, hội chứng MIS-C hậu COVID-19 không tùy thuộc vào mức độ mắc COVID-19 nặng hay nhẹ, có thể trẻ mắc COVID-19 nhẹ thoáng qua không biểu hiện triệu chứng nhưng trẻ vẫn có thể mắc MIS-C hậu COVID-19. Phụ huynh cần lưu ý, hậu COVID-19 có rất nhiều triệu chứng nhưng MIS-C hậu COVID-19 là biến chứng nặng. Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc COVID-19, từ sau 4 - 8 tuần nếu trẻ có các triệu chứng MIS-C hậu COVID-19 thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Các trẻ sau khi bị MIS-C đã điều trị ổn định được xuất viện vẫn cần phải theo dõi và tái khám định kỳ mỗi tháng, trong ít nhất 3 - 6 tháng sau đó hoặc tái khám ngay khi có các biểu hiện nặng khác để theo dõi các biến chứng có thể xảy ra trên hệ tim mạch.

Hội chứng MIS-C hậu COVID-19 rất nặng và nguy hiểm với trẻ. Song nếu được phát hiện và nhập viện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, đa số các trường hợp mắc hội chứng MIS-C sẽ có đáp ứng tốt. Do đó, phụ huynh cần theo dõi trẻ ít nhất từ 4 - 8 tuần sau khi trẻ mắc COVID-19.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.