Multimedia Đọc Báo in

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Góp phần nâng cao chất lượng dân số

08:22, 17/05/2022

Nhờ triển khai Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC), những năm gần đây, tại Đắk Lắk đã giảm được tình trạng trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ. Điều này không chỉ đem lại giá trị về sức khỏe, giá trị nhân văn mà còn có giá trị rất lớn về kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Vô tình lây nhiễm HIV từ chồng, chị N.M.V. (trú huyện Krông Ana) bắt đầu tham gia chương trình điều trị ARV từ năm 2015. Do mắc bệnh, chị V. luôn lo lắng việc sinh con sẽ khiến con bị lây nhiễm HIV từ mình. Tuy nhiên, nhờ sự tư vấn của các bác sĩ, chị và chồng đã chuẩn bị sẵn sàng và quyết định sinh con. Khi con ra đời khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV từ mẹ, vợ chồng chị vui mừng khôn xiết.

“Chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình có được niềm hạnh phúc ấy. Nhờ chương trình DPLTMC mà những người nhiễm HIV như tôi được làm mẹ, điều đó thật tuyệt vời” - chị V. chia sẻ.

Còn chị T.T.G. (trú TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, chị nhiễm HIV từ khi chưa lấy chồng. Sau khi tham gia chương trình điều trị ARV được 3 năm, chị lấy chồng. Được sự tư vấn, chia sẻ của các bác sĩ và uống thuốc đều đặn, không những chồng chị mà cả đứa con của anh chị cũng không bị nhiễm HIV từ mẹ. Điều này trở thành động lực lớn giúp chị vượt qua bệnh tật và sống có trách nhiệm hơn.

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vinh, Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chương trình DPLTMC mang lại rất nhiều ý nghĩa và hiệu quả thiết thực cho bệnh nhân HIV. Phụ nữ nhiễm HIV nếu được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con càng sớm thì tỷ lệ lây nhiễm cho con càng thấp. Nếu không được điều trị dự phòng, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30 - 40%, nhưng nếu được điều trị dự phòng thích hợp thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn dưới 2%.

Vì vậy DPLTMC giúp phụ nữ nhiễm HIV có thể sinh con mạnh khỏe, an toàn, giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục, giảm nguy cơ tử vong và góp phần làm giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình cũng như ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng.

Được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2009, đến nay, Chương trình DPLTMC đã triển khai đến các xã, phường với các nội dung thiết thực như: Tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV; khi các điểm có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính thì chuyển mẫu về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để xét nghiệm khẳng định, từ đó kết nối điều trị dự phòng bằng thuốc ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng siro trong vòng 6 tuần đầu.

Hiện tại, Khoa phòng, chống HIV/AIDS đang điều trị cho 5 bệnh nhân HIV mang thai và đã có 5 trẻ được sinh ra khỏe mạnh từ mẹ nhiễm HIV tham gia Chương trình DPLTMC.

Bệnh nhân HIV đến khám định kỳ tại Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Đình Thi

Có thể nói, những năm qua, Chương trình DPLTMC đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình người nhiễm HIV/AIDS. Bác sĩ Nguyễn Thị Vinh nhấn mạnh, để trẻ sinh ra không nhiễm HIV từ mẹ, bên cạnh việc quan tâm, điều trị của y, bác sĩ thì cần phải có sự phối hợp của chính những người sẽ làm cha, làm mẹ. Tốt nhất, trước khi mang thai hoặc khi đã mang thai thì phụ nữ cần làm xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt.

Khi phát hiện mắc HIV, cần được điều trị ARV sớm và tuân thủ quá trình điều trị thật tốt để đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao trong 1 ml máu. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những rào cản khiến nhiều phụ nữ mang thai không chịu xét nghiệm sàng lọc HIV.

Đó là nhận thức của một số phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai về DPLTMC còn thấp nên phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai hoặc khi chuyển dạ gây khó khăn trong việc tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, quản lý những phụ nữ nhiễm bệnh cũng như trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Đồng thời sự phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn còn nặng nề, dẫn đến việc phụ nữ mang thai làm sàng lọc HIV còn thấp.

Những nguyên nhân này làm hạn chế tiếp cận các chương trình điều trị DPLTMC và tăng tỷ lệ trẻ sinh ra có nguy cơ nhiễm HIV. Ngoài ra, do ngân sách chương trình còn hạn chế, dự án cắt giảm cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động phòng, chống HIV nói chung và Chương trình DPLTMC nói riêng.

Có thể thấy, việc xét nghiệm sớm HIV đối với phụ nữ mang thai rất quan trọng, những đối tượng bị nhiễm HIV mang thai cần phải được tiếp cận sớm với các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vì điều trị dự phòng càng sớm thì hiệu quả mang lại sẽ càng cao.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.