Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao ý thức phòng bệnh tay chân miệng

15:05, 15/05/2022

Những ngày gần đây, các ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên có chiều hướng gia tăng do trẻ bắt đầu quay lại trường học sau một thời gian dài nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu do chủng vi rút Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây ra. Trong đó, Enterovirus 71 là loại chủng gây bệnh có độc tính cao, lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và tử vong cho trẻ.

Đa số các ca bệnh tay chân miệng thường ở thể nhẹ song bệnh cũng có thể có chuyển biến nặng nhanh chóng chỉ sau vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ mắc bệnh có thể gặp phải các biến chứng nặng nề như sốc, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong...

Nhóm trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh tay chân miệng có nguy cơ bị rối loạn chức năng gan, phổi, não và tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều so với các đối tượng khác.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Nhật

Cách đây vài ngày, con chị Vũ Thị Hương (trú huyện Krông Pắc) khoảng 11 tháng tuổi có biểu hiện sốt cao hơn 38 độ, quấy khóc, nổi hạt ở lòng bàn tay, chân và họng. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám và chẩn đoán cháu bị bệnh tay chân miệng độ 2A. Còn chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (trú huyện Cư Kuin) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh con mình bị co giật liên tục vì mắc bệnh tay chân miệng. Chị Thảo kể: “Bé nhà tôi gần 13 tháng tuổi. Cách đây mấy hôm bé bị sốt, co giật nên gia đình đưa bé nhập viện liền. Rất may các bác sĩ đã can thiệp, điều trị kịp thời nếu không chúng tôi không biết chuyện tồi tệ gì sẽ xảy ra”.

Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ em thường nhiễm vi rút gây bệnh tay chân miệng khi tiếp xúc trực tiếp dịch mũi, miệng, nước bọt, dịch từ các bọng nước và phân của người nhiễm bệnh hoặc từ những đồ vật nhiễm loại vi rút này như đồ chơi, mặt bàn, nắm cửa… Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có các triệu chứng như loét, đau họng, phát ban, nổi bọng nước trên tay, bàn chân hoặc mông. Bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác quanh năm, tuy nhiên, thời gian gần đây, số ca tay chân miệng tăng lên một phần do trẻ mầm non đi học trở lại, khả năng lây bệnh ở trường mầm non tăng lên và số ca nhập viện cũng tăng theo.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn vật dụng, đồ chơi của trẻ. Đối với trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như trẻ sốt cao liên tục, li bì, giật mình khi ngủ, ngồi không vững, run tay chân, trẻ quấy khóc vô cớ, khóc liên tục thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.