Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng khi trẻ em mắc sốt xuất huyết

08:01, 30/06/2022

Những ngày qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã bắt đầu tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp trẻ em mắc sốt xuất huyết (SXH). Trong đó, có những trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, tổn thương đa cơ quan. Đây là một trong những mối lo ngại, bởi chỉ mới đầu mùa mưa nhưng số ca mắc SXH đã gia tăng nhanh chóng trên địa bàn tỉnh.

Từng mắc SXH một lần cách đây mấy năm về trước, mới đây, em Nguyễn Thị Thanh Nga (SN 2009, trú huyện Krông Năng) tiếp tục nhập viện điều trị vì mắc SXH. Khoảng 10 ngày trước, Nga thấy người mệt mỏi, đau đầu, sốt, buồn nôn, gia đình có đi mua thuốc cho em uống liên tục 3 ngày vẫn không đỡ. Sau đó, Nga được đưa đi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, bác sĩ cho biết em bị SXH và cho về nhà điều trị. Tuy nhiên, sau khi về nhà, bệnh tình của em chuyển nặng nên được đưa vào viện lại và nhanh chóng được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Đến nay, sau hơn một tuần điều trị tích cực, sức khỏe của em đang dần hồi phục.

Nhiều trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nặng.

Chăm sóc con nhỏ mắc SXH tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị Trương Thị Quyền (trú xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) tỏ ra vô cùng lo lắng. Chị bộc bạch: “Con tôi vừa tròn 2 tuổi. Cách đây 5 ngày, cháu sốt cao, nôn ói, bỏ bú. Ở nhà uống thuốc hạ sốt và điều trị 3 ngày nhưng không đỡ, tôi đưa con vào khám tại Trung tâm Y tế huyện, kết quả xét nghiệm bé bị SXH. Qua thông tin tuyên truyền, tôi biết căn bệnh này rất nguy hiểm, nhất là với trẻ nhỏ. Vì thế, các cha mẹ nên bảo vệ con thật kỹ, tránh không để con bị muỗi đốt, khi thấy con có dấu hiệu của bệnh nên đưa đến khám tại cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời, đừng để con ở nhà tự theo dõi điều trị”.

Theo TS., bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hiện đang là thời điểm đầu mùa mưa nhưng số trường hợp bệnh nhi nhập viện vì mắc SXH gia tăng nhanh, đã có những bệnh nhân vào nhập viện trong tình trạng nặng, SXH cảnh báo, tổn thương đa cơ quan. Bệnh SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền vi rút Dengue gây nên. Vi rút này có 4 chủng khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm chủng vi rút nào thì chỉ có khả năng tạo miễn dịch với chủng vi rút đó. Do vậy, một người có thể nhiễm 4 chủng khác nhau. Tùy vào số lần mắc, vào cơ địa và chủng vi rút mà bệnh nhân mắc sẽ có biểu hiện lâm sàng và mức độ nặng, nhẹ khác nhau. SXH được phân thành nhiều độ khác nhau, gồm SXH cảnh báo, SXH nặng, SXH có sốc và sốc nặng. SXH dễ chuyển nặng đặc biệt trên những trẻ cơ địa đặc biệt (tổn thương gan, thận, béo phì). SXH cảnh báo là một trong những dấu hiệu chuyển biến sớm nhất, cần được phát hiện sớm để được điều trị kịp thời. Nếu SXH cảnh báo không được phát hiện sớm, trẻ sẽ chuyển qua các độ nặng hơn gây nguy hiểm đến tính mạng.

Một trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bác sĩ Minh cũng lưu ý, khi chăm sóc trẻ mắc SXH tại nhà, cần chú ý hạ sốt cho trẻ, lau mát, chú ý chế độ dinh dưỡng, cho trẻ uống nhiều nước, vitamin để trẻ có sức đề kháng tốt. Phụ huynh cần tuân theo hướng dẫn cũng như điều trị của bác sĩ, đặc biệt chú ý theo sát trẻ từ ngày thứ ba trở đi để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu cảnh báo, chuyển nặng của bệnh. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu cảnh báo như: mệt lả, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, tiểu ít… các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu và điều trị kịp thời.

Trên thực tế, SXH là do muỗi truyền, không bị muỗi đốt thì sẽ không mắc SXH. Do đó, để phòng, chống bệnh, mỗi người dân cần chủ động bảo vệ cho chính mình và người thân bằng cách diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước (bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ…) để muỗi không vào đẻ trứng; thường xuyên diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng vào các ổ nước đọng, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.