Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh Whitmore: Cần nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân

08:14, 10/06/2022

Sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh Whitmore trên địa bàn tỉnh, ngành y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát dịch tễ và phòng, chống bệnh.

Mới đây, ngành y tế đã ghi nhận một trường hợp mắc bệnh Whitmore tại huyện Ea Súp. Bệnh nhân là N.T.V. (nữ, SN 2013, trú thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp).

Ngày 4/6, bệnh nhân được người nhà đưa vào khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng tỉnh táo, sốt 39oC, tuyến mang tai hai bên sưng to, cứng, không di động, góc hàm trái có điểm ấn mềm hóa mủ, đau nhiều, há miệng hạn chế, họng đỏ nhẹ loét chợt đầu lưỡi 1 nốt.

Đến ngày 7/6, bệnh nhân sốt cao liên tục, thân nhiệt 41oC, áp xe tuyến mang tai hai bên đã rạch, rỉ mủ máu.

Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei với chẩn đoán hậu phẫu áp xe tuyến mang tai hai bên/Nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei/TD Viêm màng não.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp kiểm tra nguồn nước sinh hoạt của gia đình bệnh nhân N.T.V..

Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân khởi phát bệnh cách ngày nhập viện khoảng 10 ngày với triệu chứng sốt cao, kèm sưng, đau vùng mang tai hai bên. Người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân, uống thuốc 3 ngày (không rõ loại) nhưng không giảm nên đưa bệnh nhân vào khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Anh N.V.K., người nhà bệnh nhân cho biết, sau khi nhận được thông tin em gái mắc bệnh Whitmore, gia đình anh rất lo lắng vì chưa bao giờ nghe đến căn bệnh này. Qua tìm hiểu, anh được biết căn bệnh này khá nguy hiểm, vi khuẩn gây bệnh có trong nguồn nước, đất. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ y tế tư vấn về cách phòng tránh bệnh như phải ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh cá nhân và nhà cửa sạch sẽ, hạn chế tắm lội ở vùng nước bẩn… gia đình anh đã tích cực áp dụng và mong rằng không còn ai mắc căn bệnh này nữa.

 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đến chiều 9/6, sau 4 ngày nhập viện và điều trị, bệnh nhân N.T.V. vẫn sốt cao, nhiễm trùng máu, viêm màng não, tiên lượng nặng.

Khi nghe tin gần nhà ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore, em Lương Thị Chi (trú thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) không khỏi lo lắng. Em chia sẻ, nghe mọi người nói căn bệnh này là “vi khuẩn ăn thịt người” và có thể mắc phải khi tiếp xúc với nguồn nước hoặc đất bẩn, bản thân em rất hoang mang vì cả gia đình em làm nông, lại hay đi tắm suối và mò cua, bắt ốc. Mới đây, khi cán bộ y tế và chính quyền địa phương đến phun khử khuẩn và tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sống để phòng bệnh, bản thân em và người thân đã có nhận thức đúng về bệnh và cách phòng bệnh nên đỡ lo lắng hơn.

Theo bác sĩ Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Ia Lốp (huyện Ea Súp), sau khi ghi nhận một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với y tế xã và chính quyền địa phương tổ chức xuống nhà bệnh nhân giám sát công tác phòng bệnh. Sau khi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn và thống nhất, chiều 8/6, trạm triển khai lực lượng tiến hành phun diệt khuẩn xung quanh bể nước, các khu vệ sinh, nơi ở của các hộ dân xung quanh, phạm vi phun xử lý khoảng 20 hộ dân trong khu vực. “Trên địa bàn xã Ia Lốp có gần 70% là hộ nghèo, chủ yếu làm nông nghiệp, trong quá trình đó các em nhỏ cũng tham gia cùng bố mẹ. Trên địa bàn xã còn có hai con sông, các em nhỏ thường ra sông chơi, tắm, bắt ốc, bắt cua. Do đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ báo cáo ban chỉ đạo xã và tiến hành tuyên truyền người dân nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân, không tiếp xúc các nguồn nước bẩn có khả năng gây bệnh Whitmore”, bác sĩ Mạnh nói thêm.

Cán bộ y tế hướng dẫn người nhà bệnh nhân N.T.V. vệ sinh môi trường phòng bệnh lây lan.

Bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B. Pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Bệnh Whitmore là bệnh ít gặp, không lây lan thành dịch. Bệnh ghi nhận số mắc cao chủ yếu tại Úc và khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện lần đầu tiên năm 1925 sau đó xuất hiện rải rác qua các năm tại một số địa phương và gần đây được phát hiện tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Còn tại Đắk Lắk, trường hợp của bệnh nhân N.T.V. là ca bệnh Whitmore đầu tiên được ghi nhận.

Chia sẻ thêm về căn bệnh này, bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng cho biết, bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

Do đó, để phòng tránh bệnh, người dân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng; không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm; sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn; đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng; thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết; khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm, nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.