Huyện Cư M’gar: Nỗ lực giảm thiểu số ca bệnh sốt xuất huyết
Theo thống kê, đến nay bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã xảy ra tại 17/17 xã, thị trấn của huyện Cư M'gar, với 161 ca mắc. Trong đó, địa phương ghi nhận số ca mắc cao nhất là thị trấn Quảng Phú, với 27 ca; xã Ea Kuêh: 24 ca; thị trấn Ea Pốk: 24 ca. Toàn huyện xảy ra 8 ổ dịch.
Theo Trung tâm Y tế huyện, số ca mắc bệnh SXH đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành y tế địa phương. Nguyên nhân do bệnh SXH có tính chu kỳ, thời điểm hiện nay, thời tiết trên địa bàn nắng mưa thất thường càng tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển.
BS. CKII Bùi Nam Ơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar thông tin, đáng nói là tình trạng một số người dân chủ quan với bệnh SXH và thường đến khám, điều trị tại cơ sở y tế muộn khiến bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Như trường hợp gia đình chị H'Riêng Ajun (xã Ea Kuêh), khi cậu con trai hơn 1 tuổi có triệu chứng sốt nhẹ, chị cho rằng con bị đau do thay đổi thời tiết nên tự mua thuốc về nhà cho con uống. Mấy hôm sau, con bị sốt cao hơn, kèm theo nôn ói, chị đưa con đến Trung tâm Y tế huyện thì phát hiện con mắc bệnh SXH, có dấu hiệu trở nặng. Nhờ được xử trí điều trị kịp thời, sau gần một tuần, sức khỏe con trai chị đã tiến triển tốt hơn.
BS.CKI Nguyễn Đình Chiến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc (Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar) thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. |
Nhằm hạn chế số ca mắc bệnh, ngay từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên, ngành y tế huyện Cư M’gar đã kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương khoanh vùng xử lý, giám sát chặt và đẩy mạnh truyền thông để nâng cao ý thức phòng ngừa trong nhân dân. Tính đến nay, huyện đã khống chế thành công 6 ổ dịch. Hiện còn 2 ổ dịch tại thôn Quyết Thắng (thị trấn Ea Pốk) và khối 3 (thị trấn Quảng Phú) đã xử lý hóa chất lần 1.
Trước đó, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống, ứng phó với bệnh SXH trên địa bàn. Trạm y tế các xã, thị trấn tham mưu chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai sớm các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt lưu tâm trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, vì đây là cao điểm mùa mưa, môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho lăng quăng, muỗi sinh sôi, bệnh dễ lây lan rộng ra cộng đồng nhất.
Trong đó, trọng tâm là tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng; điều tra, giám sát phát hiện tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, giám sát tình hình dịch bệnh đến tận cơ sở. Đồng thời, tổ chức truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các biện pháp phòng, chống bệnh SXH.
Từ đầu năm đến nay đã triển khai 3 đợt chiến dịch dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng ở 17 xã, thị trấn. Qua đó, phát hiện, xử lý 10.120 dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Mặt khác, tổ chức tập huấn tăng cường kiến thức và hướng dẫn chẩn đoán điều trị SXH cho 100% cán bộ, viên chức từ tuyến huyện đến tuyến xã; giám sát theo dõi sát bệnh nhân SXH, thực hiện phân tuyến điều trị theo đúng quy định...
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc