Multimedia Đọc Báo in

Coi vắc xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19

12:54, 20/08/2022

Ngày 19/8, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc triển khai Thông báo số 246/TB-VPCP ngày 12/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc gia) tại phiên họp thứ 16 về phòng chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, đoàn thể, Ban Chỉ đạo và Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công và nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia tại Thông báo số 246/TB-VPCP chủ động triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; kịp thời báo cáo, tham mưu Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo những nội dung vướng mắc, vượt thẩm quyền.

Tại thông báo số 246/TB-VPCP, Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương cần tập trung nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh; đánh giá nghiêm túc, thực tế, khách quan về tình hình dịch bệnh; không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống dịch đã được ban hành, nhất là thực hiện Nghị quyết số 38-NQ/CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống dịch theo thẩm quyền được giao và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Quy chế làm việc của Chính phủ.

th
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin).

Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng lưu ý, thời gian tới, công tác phòng chống dịch tập trung thực hiện các mục tiêu: không để dịch bệnh bùng phát trở lại; cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân; hoàn thành việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng chỉ định trên 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống dịch COVID-19 nói riêng.

Tiếp tục khẳng định và quán triệt các quan điểm chỉ đạo: Kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tiêm chủng vắc xin phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân; tổ chức đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc xin và phòng, chống dịch.

Ban chỉ đạo Quốc gia đề nghị đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin, coi vắc xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng chống dịch COVID-19. Bộ Y tế bảo đảm đủ số lượng, phân bổ kịp thời vắc xin; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vắc xin tại các địa phương; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo về việc tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa phương, bảo đảm tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Khẩn trương triển khai các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế. Bộ Y tế tiếp tục đánh giá, phân tích, tìm nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu. Bộ Tài chính triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn kinh phí. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng yêu cầu các cấp ngành tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Bảo đảm an toàn, an ninh, an dân trong phòng chống dịch bệnh; ngăn chặn, đấu tranh kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, xuyên tạc, thông tin sai sự thật để chống phá Đảng, Nhà nước. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo sinh kế, công ăn việc làm, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đảm bảo tài chính, hậu cần phòng, chống dịch; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định để bảo đảm công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong phòng, chống dịch.

Ủy ban Trung ương MTTTQ Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai vận động các nguồn lực cho phòng chống dịch theo chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai hiệu quả công tác dân vận, nắm chắc tình hình cơ sở; tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên, biểu dương người tốt, việc tốt.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.