Không tự ý truyền nước khi mắc sốt xuất huyết
Truyền nước hay truyền dịch là truyền các chất có lợi vào cơ thể thông qua đường tĩnh mạch để hỗ trợ điều trị hoặc phục hồi sức khỏe. Việc truyền dịch chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thực tế có rất nhiều người đã lạm dụng việc truyền nước khi cơ thể mệt mỏi, ốm đau, đặc biệt là các bệnh nhân bị sốt nói chung và sốt xuất huyết (SXH) nói riêng.
Khi bị SXH, bệnh nhân thường sốt cao liên tục, mệt mỏi, không thể ăn uống khiến cơ thể suy kiệt, mất nước. Lúc này, rất nhiều người nghĩ đến việc truyền nước để mong muốn hồi phục sức khỏe mà không biết rằng điều này rất nguy hiểm bởi việc tự ý truyền nước khi mắc SXH sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, gây khó khăn trong điều trị và nguy hiểm đến tính mạng.
Mỗi khi thấy người mệt mỏi, đau nhức, chị N.T.L.A. (trú huyện Cư Kuin) lại đến cơ sở y tế tư nhân gần nhà để truyền nước. Lần này cũng vậy, thấy trong người không khỏe, chị N.T.L.A. đi truyền nước vì không nghĩ mình mắc SXH.
Sau khi truyền nước về bệnh vẫn không đỡ mà có biểu hiện nặng hơn, chảy máu chân răng, chị được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết chị mắc SXH và có các dấu hiệu cảnh báo. Do thừa cân, lại tự ý truyền nước khiến tình trạng của chị trở nên nặng hơn, việc điều trị cho chị gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Phương Nhiên |
Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), những tuần vừa qua bệnh SXH tiếp tục diễn biến phức tạp, số bệnh nhân mắc SXH Dengue nặng và cảnh báo gia tăng nhiều, có thời điểm hơn 150 bệnh nhân mắc SXH nằm điều trị tại khoa và hầu hết các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng khá muộn.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 9 bệnh nhân tử vong vì SXH. Các trường hợp tử vong hầu hết do đến cơ sở y tế muộn, mắc SXH trên cơ địa nhiều bệnh lý nền mạn tính.
Bác sĩ Lâm cho biết, có 70 - 75% bệnh nhân mắc SXH ở thể nhẹ, trong nhóm này chủ yếu cần bổ sung nước qua đường uống. Tuy nhiên rất nhiều bệnh nhân tự ý đến các cơ sở y tế tư nhân yêu cầu truyền nước, và hậu quả là làm cho tình trạng sức khỏe xấu đi. Đây là điều hết sức nghiêm trọng, nguy hiểm bởi bệnh nhân mắc SXH nếu được truyền dịch không đúng, khi bệnh nhân sốc sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn, rất khó cấp cứu".
Bác sĩ Lâm khuyến cáo: Việc truyền dịch sớm cho bệnh nhân SXH trong những ngày đầu khởi phát bệnh là không cần thiết nếu bệnh nhân vẫn còn ăn uống được. Lúc này, chỉ nên khuyến khích bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bắt đầu từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6, tất cả các bệnh nhân và bác sĩ cần đặc biệt lưu ý và có chỉ định truyền nước theo phác đồ, chứ không tự ý.
Ngay cả những trường hợp SXH cần phải nhập viện theo dõi, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng sẽ chỉ định truyền dịch. Nếu có truyền, tốc độ truyền cũng phải điều chỉnh khác nhau tùy theo ca bệnh, đặc biệt là ở bệnh nhi. Tốt nhất, người dân khi bị SXH phải đến ngay cơ sở y tế, và các cơ sở y tế tuyến dưới cần làm đúng quy trình, đánh giá đúng tình trạng bệnh nhân để chuyển viện điều trị kịp thời, tránh để quá muộn khiến công tác điều trị gặp khó khăn. Cần phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo để xử lý bằng đường truyền tĩnh mạch hợp lý, tuyệt đối không tự ý truyền nước khi chưa có chỉ định.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc