Multimedia Đọc Báo in

Thuốc lá và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

08:44, 28/05/2023

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây nhiều căn bệnh như: ung thư, tim mạch, hô hấp… Đối với hệ hô hấp, khói thuốc lá chứa các chất độc hại có ảnh hưởng đến chức năng phổi. Độc tố được hít trực tiếp vào phổi trong thời gian dài có thể dẫn đến kích thích phổi nghiêm trọng, gây ra sự khởi đầu của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là thuật ngữ dùng chỉ những tổn thương ở phổi có liên quan đến sự tắc nghẽn đường thở. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra tình trạng khó thở ngày càng trầm trọng và có thể đe dọa mạng sống của người bệnh. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân tử vong xếp hàng thứ tư trên thế giới (sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não) và là nguyên nhân tử vong xếp hàng thứ ba tại Việt Nam (sau đột quỵ và bệnh tim thiếu máu cục bộ).

Bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Hút thuốc lá là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người nghiện thuốc lá có nguy cơ bị phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Thậm chí, những người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ ngày càng nặng hơn theo thời gian, bệnh kéo dài đến hết quãng đời còn lại kể từ khi bệnh nhân phát bệnh. Bệnh cũng không thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể điều trị theo từng đợt bệnh tái phát. Những yếu tố nguy cơ làm bệnh tái phát là do tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường, thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm cao hay làm việc quá sức. Hậu quả là người bệnh bị mất sức lao động, không thể tự chăm sóc bản thân.

Tại Bệnh viện Phổi tỉnh, bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chiếm tỷ lệ cao nhất tại các khoa bệnh phổi. Năm 2022, bệnh viện đã điều trị và quản lý gần 500 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; chỉ quý I năm 2023, có 289 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính điều trị tại đây. Bác sĩ La Thế Anh (khoa Nội 1, Bệnh viện Phổi tỉnh) cho biết: Hầu hết bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đều có tiền sử là hút thuốc lá. Trong đó, phần lớn đàn ông là những người hút thuốc lá trực tiếp còn phụ nữ thì hút thuốc lá thụ động.

Như trường hợp ông Tr.H.Đ. (trú phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ cách đây 2 năm. Ông Đ. có thói quen hút thuốc lá từ thời thanh niên; mãi đến khi các bác sĩ cho biết hút thuốc lá làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh và số lần khởi phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ông mới quyết định bỏ thuốc lá. Hay ông H.Tr.Th. (69 tuổi, trú xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) có tiền sử hút thuốc lá hơn 50 năm. Cách đây 5 năm, trong một lần cơ thể mệt mỏi kéo dài, ho, khó thở, ông được người nhà đưa đến cơ sở y tế để khám. Các bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Từ đó, ông thường xuyên phải nhập viện vì tình trạng mệt mỏi, khó thở, mỗi lần điều trị càng kéo dài hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo, những người đang hút thuốc lá nên bỏ thuốc lá sớm khi có các triệu chứng của bệnh. Những người không hút thuốc lá không nên tiếp xúc với khói thuốc lá, bởi khi tiếp xúc với khói thuốc lá có thể gây nên các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, cần điều trị dứt điểm một số bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng kéo dài ở đường hô hấp. Có lối sống lành mạnh như luyện tập thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng cân bằng. Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Kim Oanh - Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.