Chăm sóc trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh đúng cách
Thalassemia (Bệnh tan máu bẩm sinh) là một bệnh di truyền, gen bị bệnh từ cha mẹ truyền cho con.
Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị và chăm sóc thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động... Chính vì vậy, việc chăm sóc bệnh nhân Thalassemia đúng cách là việc vô cùng cần thiết.
Đều đặn mỗi sáng, tại phòng điều trị bệnh tan máu bẩm sinh của Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) luôn có hàng chục bệnh nhi ngồi chờ được truyền máu. Đều đặn hằng tuần trong hơn 5 năm qua, em H.N.A. (15 tuổi, trú huyện Cư M’gar) được cha mẹ thay nhau đưa đến bệnh viện để được truyền máu duy trì sự sống. Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp cho biết, hiện bệnh viện đang quản lý, điều trị cho khoảng 400 trẻ mắc bệnh Thalassemia. Đây là bệnh lý gây ra sự thiếu hụt tổng hợp một chuỗi globin trong huyết sắc tố của hồng cầu khiến hồng cầu bệnh nhân không bền, bị phá hủy sớm dẫn đến tình trạng thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Các bệnh nhân Thalassemia nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trẻ mắc bệnh Thalassemia được truyền máu tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên). Ảnh: Quang Nhật |
Theo bác sĩ Minh, người bệnh tan máu bẩm sinh thường bị quá tải sắt. Sắt dư thừa này tích tụ trong trong cơ thể làm tổn thương, suy giảm chức năng của các cơ quan. Vì vậy, trong chế độ ăn cho người bị tan máu bẩm sinh nên lựa chọn các loại thực phẩm cho năng lượng cao mà chứa hàm lượng sắt thấp, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của xương nhằm duy trì thể trạng và không làm trầm trọng thêm vấn đề quá tải sắt. Quan trọng nhất đối với trẻ mắc Thalassemia là trẻ cần được truyền máu và thải sắt định kỳ. Phụ huynh nên cho trẻ khám và điều trị đúng hẹn; khám lại ngay khi có dấu hiệu bất thường như: mệt nhiều, đau tim, khó thở, sốt cao, phù…
Bệnh Thalassemia có thể phòng tránh được khi có hiểu biết đầy đủ về bệnh và ngăn ngừa bằng cách thực hiện tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám sàng lọc bệnh Thalassemia trước khi kết hôn. Nếu cả hai người cùng mang gen bệnh Thalassemia kết hôn với nhau, cần được tư vấn trước khi dự định có thai; nếu cặp vợ chồng cùng mang gen Thalassemia có thai nên chẩn đoán trước sinh khi thai được 12 - 18 tuần tại cơ sở y tế chuyên khoa; nên đến các bác sĩ chuyên khoa ngành huyết học, nhi khoa và di truyền học để được tư vấn bệnh Thalassemia. Đặc biệt, để giảm thiểu bệnh bệnh tan máu bẩm sinh, người dân không nên kết hôn cận huyết thống, cần thực hiện việc sàng lọc, tư vấn và tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc