Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Y tế huyện M’Drắk: Nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh

07:53, 23/06/2023

Trung tâm Y tế huyện M’Drắk hiện có 272 cán bộ, viên chức, người lao động. Trong tổng số 43 bác sĩ của Trung tâm, có 13 bác sĩ chuyên khoa I, 1 thạc sĩ, 29 bác sĩ đa khoa, 1 bác sĩ y học dự phòng và 2 bác sĩ y học cổ truyền.

Thực hiện lời căn dặn của Bác đối với thầy thuốc "Phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu", trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện M’Drắk luôn nỗ lực học tập, trau dồi y đức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Triển khai nhiều kỹ thuật mới trong cấp cứu, điều trị

Với sự chủ động về nguồn nhân lực có chuyên môn và các trang thiết bị hiện đại như: hệ thống ôxy khí nén, máy xét nghiệm miễn dịch, máy huyết học 28 thông số 5 thành phần bạch cầu, máy sinh hóa tự động, máy nội soi tai mũi họng…, đến nay Trung tâm Y tế huyện M’Drắk đã triển khai được trên 30 kỹ thuật mới. Trong đó có nhiều kỹ thuật điển hình đem lại hiệu quả cao trong cấp cứu và điều trị cho người bệnh như: Mổ lấy thai, mổ cắt tử cung qua đường bụng, đường âm đạo, mổ thai ngoài tử cung vỡ, mổ thủng dạ dày, mổ trĩ, mổ thoát vị bẹn, mổ kết hợp xương; các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán về tuyến giáp (T3,T4,TSH) và tầm soát một số chỉ điểm ung thư (CEA, AFP, CA 125, CA 15-3, PSA, CA 72-4, CA 19.9), một số kỹ thuật nội soi tai mũi họng… Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, nhờ triển khai được kỹ thuật cắt lách chấn thương ngay tại Trung tâm Y tế huyện, nhiều trường hợp bệnh nhân đã được phẫu thuật kịp thời, bảo toàn được tính mạng.

Các y bác sĩ hỏi thăm bệnh nhân N.T.H. sau ca phẫu thuật cắt lách thành công.

Điển hình như vào ngày 22/4/2023, y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện M’Drắk đã mổ cấp cứu kịp thời cứu sống bệnh nhân N.T.H. (32 tuổi, trú thôn 7, xã Ea M’đoal) bị vỡ lách độ 4 do tai nạn giao thông. Thời điểm bệnh nhân được đưa tới Trung tâm Y tế huyện đã rơi vào tình trạng nguy kịch, nếu không được mổ kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Trong lúc phẫu thuật, bệnh nhân mất máu, Trung tâm đã nhanh chóng huy động nhân viên và người thân của bệnh nhân, cùng với "Ngân hàng máu sống" của đơn vị bổ sung 3 đơn vị máu. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, cắt lách cầm máu, ca phẫu thuật kết thúc thành công, bệnh nhân đã xuất viện, sức khỏe ổn định, không có biến chứng sau phẫu thuật. “Trung tâm Y tế huyện M’Drắk đã sinh ra con tôi lần thứ hai” là lời chia sẻ gan ruột của mẹ bệnh nhân khi chứng kiến cảnh y bác sĩ đã chiến đấu giành giật sự sống cho con mình trong cận kề sinh tử.

Thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật đã tạo tiền đề cho hoạt động khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện M’Drắk được hiệu quả, phục vụ người bệnh tốt nhất. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại Trung tâm ngày càng tăng, công suất sử dụng giường bệnh cao, hầu hết đều đạt trên 90%, đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến điều trị giảm rõ rệt (từ gần 4,48% năm 2006 đến nay xuống còn hơn 2%).

Hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn

Mỗi ngày, trung bình Trung tâm Y tế huyện M’Drắk tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho trên 200 người và điều trị nội trú gần 50 lượt bệnh nhân; trong đó có không ít là bệnh nhân nghèo, là người dân tộc thiểu số đến từ các xã vùng xa, vùng khó khăn như: Cư San, Ea Trang, Ea M’doal, Cư Króa… Năm 2015, Trung tâm Y tế huyện đã thành lập Tổ công tác xã hội (CTXH) với nhiệm vụ tiếp đón, hỗ trợ, tư vấn các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và là cầu nối giữa bệnh viện, các tổ chức thiện nguyện, mạnh thường quân để giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện M'Drắk.

Tổ CTXH đã triển khai đặt tủ quần áo từ thiện tại khu vực cổng vào của Trung tâm Y tế huyện M’Drắk với khẩu hiệu “Ai thừa thì ủng hộ, ai thiếu thì đến lấy”. Tủ quần áo không chỉ do cán bộ, công nhân viên của Trung tâm chung tay đóng góp mà còn vận động được nhiều người khác cùng quyên góp quần áo, tã...  và nhờ vậy tủ quần áo từ thiện không bao giờ vơi. Bên cạnh đó, Tổ CTXH còn đặt một thùng từ thiện tại khoa khám bệnh để mọi người có thể chung tay hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân nghèo; phối hợp với các mạnh thường quân cung cấp các suất cơm miễn phí cho bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn điều trị nội trú.

Trung tâm Y tế huyện M’Drắk còn triển khai mô hình “Ngân hàng máu sống” hiện có 26 thành viên là các cán bộ của Trung tâm và các cơ quan khác trên địa bàn huyện. Các thành viên của “Ngân hàng máu sống” đã kịp thời hiến máu, giúp đỡ nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Như trường hợp anh Nguyễn Văn Thanh, ở thôn 5, xã Krông Á (huyện M'Drắk) bị liệt nửa thân dưới do tai nạn lao động năm 2014 và bị nhiều biến chứng phải điều trị dài ngày tại Trung tâm Y tế huyện, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo nên kinh tế vô cùng khó khăn. Thấu hiểu gia cảnh của anh Thanh, Tổ CTXH thường xuyên hỗ trợ các suất cơm miễn phí, quần áo và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ anh bằng vật chất. Đặc biệt, anh Thanh bị thiếu máu trầm trọng, nhờ sự hỗ trợ của các thành viên "Ngân hàng máu sống" mà anh Thanh vượt qua không ít lần nguy kịch.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.