Ngăn ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết:
Phải giải quyết được cả “gốc” lẫn “ngọn”
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), ngành y tế đang tích cực triển khai phun hóa chất diệt muỗi, vận động người dân chủ động diệt lăng quăng (bọ gậy) để ngăn ngừa nguy cơ mắc và lây lan thành dịch.
Chủ động phun hóa chất tại các ổ dịch
Sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân 49 tuổi (trú buôn Mnut, xã Ea Sol, Ea H’leo) tử vong do SXH Dengue vào ngày 4/8, Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo đã khẩn trương điều tra véc tơ và xác định có muỗi cái Aedes Aegypti và lăng quăng (bọ gậy) truyền bệnh SXH Dengue tại khu vực này.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo Trần Anh Dũng cho biết, tính đến hiện tại, toàn huyện có gần 300 trường hợp mắc SXH với 8 ổ dịch tại các xã Ea H’leo, Dliê Yang, Ea Nam, Ea Sol và thị trấn Ea Drăng. Trước tình hình dịch bệnh SXH có chiều hướng gia tăng trên địa bàn huyện, nhất là sau khi có trường hợp tử vong tại xã Ea Sol, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai phun hóa chất diệt muỗi toàn bộ thôn 4 và buôn Mnut với khoảng 200 hộ, diện tích khoảng 40.000 m2. Đơn vị cũng đã chỉ đạo Trạm Y tế xã Ea Sol tiến hành xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ xung kích cùng phối hợp vận động nhân dân vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa, đọng nước trong và ngoài nhà nhằm diệt lăng quăng (bọ gậy) tại từng hộ trong khu vực có ổ dịch SXH trước khi triển khai phun hóa chất xử lý ổ dịch.
Loại bỏ vật dụng chứa nước tạo môi trường sống cho lăng quăng, bọ gậy tại các hộ gia đình |
Tại huyện Buôn Đôn, tuy số ca mắc SXH thấp hơn so với cùng kỳ và không phát sinh ổ dịch mới, song Trung tâm Y tế huyện vẫn chủ động đề xuất Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ kinh phí triển khai phun hóa chất phòng, chống dịch SXH chủ động tại hai xã Tân Hòa và Ea Wer nhằm ngăn ngừa nguy cơ bùng phát và lan rộng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Việc phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh SXH chỉ giải quyết được phần “ngọn”, còn phần “gốc” của việc dập dịch SXH phải là diệt lăng quăng (bọ gậy) ngay trong các hộ gia đình” - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoàng Hải Phúc. |
Bác sĩ Đoàn Quốc Đỉnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn cho hay, Trung tâm đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo cho UBND các xã và các đơn vị trên địa bàn tham gia thực hiện, giám sát, đôn đốc việc triển khai chiến dịch diệt bọ gậy tại hộ gia đình ở tất cả các xã trên địa bàn huyện. Tổ chức, huy động nhân lực xử lý các ổ dịch khi phát hiện. Chỉ đạo cho trạm y tế xã chuẩn bị nhân công mang máy phun, người dẫn đường, sơ đồ địa bàn phun và thông báo lịch phun, tuyên truyền cho người dân phối hợp trong quá trình triển khai. Nhờ chủ động thực hiện, công tác phun hóa chất diệt muỗi tại hai địa điểm trên đã đạt tỷ lệ trên 90% số hộ được bảo vệ.
Công tác phòng dịch SXH còn bị động
Có con gái 16 tuổi đang điều trị SXH tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, anh Lê Văn Hoàng (43 tuổi, trú tổ liên gia 1, tổ dân phố 4, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) tâm tư: “Giá như được thông báo về các ca mắc bệnh SXH tại các hộ gia đình xung quanh sớm thì bệnh tình con gái tôi đã không chuyển nặng như thế”. Theo chia sẻ của anh Hoàng, vài ngày trước, con gái anh có dấu hiệu nhức đầu, mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Gia đình đưa cháu đi khám và xét nghiệm máu tại phòng khám tư nhân nhưng không phát hiện SXH và được kê đơn thuốc về điều trị tại nhà với tình trạng cảm, sốt. Hai ngày sau, con gái anh Hoàng ngất xỉu, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh với chẩn đoán SXH tình trạng nặng, phải thở oxy và hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Qua trao đổi, anh Hoàng thừa nhận do tâm lý chủ quan nên gia đình đôi lúc vẫn không mắc màn khi đi ngủ, trước đó vài năm con gái anh đã mắc bệnh SXH nên nghĩ rằng sẽ khó mắc bệnh lại, cùng với đó, khi các hộ xung quanh có người bị SXH, anh không nhận được thông tin cảnh báo từ các cơ quan chuyên môn nên không đánh giá được khả năng mắc bệnh sớm để kịp thời thông tin đến bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bệnh cho con mình.
Phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch SXH phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột. |
Qua quan sát thực tế, tại ổ dịch SHX tổ liên gia 1, các trường hợp mắc SXH ở liền kề nhau, quanh nhà ở có bụi rậm, gần suối, nhiều gia đình tận dụng chậu trồng cây cảnh để trồng rau trước nhà và các loại cây khác khá rậm rạp; không gian sống một số hộ ẩm thấp, tối tăm. Trong quá trình ngành y tế tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, vẫn có hộ dân chần chừ không muốn hợp tác với lý do sợ phun thuốc làm chết cá cảnh. Nhiều người dân ở sát khu vực này tỏ ra ngạc nhiên khi biết về thông tin các ca mắc bệnh SXH gần nơi mình ở.
Theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mới đây, UBND tỉnh đã giao ngành y tế xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động, triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Cùng với đó tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng một cách thiết thực và hiệu quả.
Theo kế hoạch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ phối hợp các địa phương tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại 9 điểm với 9 ổ dịch. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý, việc phun thuốc, hóa chất diệt muỗi chỉ có tác dụng nhất thời đối với đàn muỗi trưởng thành đang có nguy cơ gây dịch. Nhiều người nghĩ rằng, gia đình đã từng phun thuốc diệt muỗi là vĩnh viễn muỗi sẽ không xuất hiện trở lại là hoàn toàn sai lầm. Người dân cần chủ động vệ sinh nơi ở, phát quang bụi rậm, loại bỏ dụng cụ chứa nước, tiêu diệt lăng quăng (bọ gậy) thì hiệu quả của việc phòng, chống dịch SXH mới lâu bền.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc