Multimedia Đọc Báo in

Thuốc lá khiến trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp

10:10, 17/12/2023

Những người không hút thuốc mà thường xuyên hít khói thuốc lá của người khác (tức là hút thuốc lá thụ động) cũng phải gánh chịu những hậu quả tương tự như người hút thuốc. Trong đó, trẻ em là đối tượng nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng nhất.

Ở Việt Nam, quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, nơi đông người vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để. Thuốc lá vẫn hiện diện ở mọi nơi, thậm chí, nhiều ông bố còn hút thuốc lá ngay trong nhà dù đang có con nhỏ hoặc vợ đang mang thai mà không biết rằng sự chủ quan này sẽ để lại hậu quả khôn lường đến sức khỏe của trẻ về sau. 

Cháu V.B.T. (2 tuổi, ở xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) thường xuyên bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần và phải nhập viện điều trị. Mẹ của bé T. cho hay: “Chồng tôi là người nghiện hút thuốc lá nặng, một ngày có thể hút từ 1,5 - 2 gói và hút bất kỳ nơi nào ngay cả khi trong nhà có trẻ nhỏ. Không gian nhà chật hẹp, bố lại hút thuốc lá thường xuyên nên con gái nhỏ mới 2 tuổi thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp”. 

 Trong nhà và trong xe hơi là những nơi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ hít phải

khói thuốc lá thụ động nhất (Ảnh minh họa: teisinc.com)
Trong nhà và trong xe hơi là những nơi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ hít phải khói thuốc lá thụ động nhất (Ảnh minh họa: teisinc.com)
 

Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng sẽ hấp thụ số lượng hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày. Khi trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên, có thể gây tổn hại đến hệ thần kinh, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kỹ năng lập luận và kỹ năng nhận thức ở trẻ.

Bác sĩ Y Păm Ayul, Trưởng Khoa nội tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Krông Búk cho biết, khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí nhiều giờ kể cả khi không nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Hút thuốc lá thụ động đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em vì các hệ cơ quan của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, chúng sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc có trong khói thuốc, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh như: Tim mạch, hen phế quản, viêm đường hô hấp, viêm phổi, suy dinh dưỡng, nhẹ cân, mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, bệnh tai giữa…

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc mà người hút phả ra; lượng khói thuốc người hút thuốc thải ra không khí xung quanh cao gấp 5 lần lượng khói hít vào.

Người không hút thuốc nhưng thường xuyên ở trong môi trường chứa khói thuốc có thể hít vào lượng khói tương đương với hút 5 điếu thuốc một ngày. Trẻ em chỉ cần một giờ trong phòng có người hút thuốc cũng sẽ hấp thụ số lượng hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày.

Khi trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên, có thể gây tổn hại đến hệ thần kinh, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kỹ năng lập luận và kỹ năng nhận thức ở trẻ, như: Suy giảm chức năng nhận thức của não, giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt gấp 3 lần, chỉ số IQ của trẻ tiếp xúc với khói thuốc thấp hơn những đứa trẻ cùng tuổi không tiếp xúc với khói thuốc. Trẻ cũng sẽ có kết quả học tập kém hơn, đặc biệt là khả năng đọc và tư duy.

Ngoài ra, bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ cũng do khói thuốc lá gây ra. Bệnh đọng mủ tai nếu không được điều trị kịp thời có thể gây mất thính giác, các rắc rối về vấn đề phát âm và nhiều biến chứng khác.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà ở Việt Nam là 67% và tại nơi làm việc là 49%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ lên tới 70% và của trẻ em là gần 50%.

Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi khói thuốc lá không chỉ tàn phá sức khỏe của người hút mà còn để lại hậu quả vô cùng lớn cho người hít phải, đặc biệt là trẻ em. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, trong gia đình nếu có người hút thuốc cần cố gắng cai thuốc; hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, nhất là nơi có nhiều người hút thuốc lá. Nếu trẻ thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp, cần kiểm tra sức khỏe của trẻ thường xuyên, định kỳ để tầm soát sức khỏe và có những can thiệp sớm giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện.

Hạnh Trần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.