Chủ động phòng các tai biến sản khoa
Tai biến sản khoa là vấn đề bất thường trong quá trình mang thai và sinh nở mà bất kỳ sản phụ nào cũng có nguy cơ phải đối mặt, nó có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ và trở nên nguy hiểm, đe dọa tính mạng cho cả mẹ và con.
Bác sĩ CKII Trần Ngọc Thắng, Phó Trưởng Khoa sản (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, có 5 tai biến sản khoa thường gặp nhất là: băng huyết, sản giật, uốn ván rốn, nhiễm trùng sau sinh và vỡ tử cung. Tai biến sản khoa có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào của thai kỳ: trong lúc mang thai, chuyển dạ, trong lúc sảy thai hay sinh non, thậm chí trong thời gian hậu sản (6 tuần sau sinh). Tình trạng này có thể đặc biệt nguy hiểm vì không thể tiên lượng trước được, nguy cơ đe dọa tính mạng của cả sản phụ lẫn thai nhi.
Theo thống kê của Khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk), năm 2023, toàn tỉnh có 37.074 phụ nữ sinh đẻ, trong đó có 223 trường hợp bị tai biến sản khoa, 8 trường hợp tử vong.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tai biến sản khoa nhưng thường gặp nhất là: Phụ nữ mang thai ở độ tuổi nhỏ hơn 17 và cao hơn 40 tuổi; người mẹ làm việc trong môi trường độc hại hoặc tiếp xúc với độc chất, có lối sống không lành mạnh (hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng ma túy…); mẹ tự ý sử dụng thuốc khi mang thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ; mẹ có tiền sử phẫu thuật (phẫu thuật lấy thai, phẫu thuật khối u ở tử cung, các phẫu thuật ở ổ bụng); biến chứng thai kỳ (vị trí thai bất thường, thai nhi phát triển chậm và hiện tượng bất đồng nhóm máu Rh); đa thai (có thể gây ra tiền sản giật, sinh non và sinh sớm); những người có bệnh lý nền có thể gia tăng khả năng tai biến sản khoa (thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang, tiểu đường, bệnh thận, bệnh tự miễn và các bệnh lý khác, như bệnh tuyến giáp, HIV/AIDS, nhiễm Zika trong thai kỳ). Ngoài ra, một số nguyên nhân khác là do thai phụ không được tiếp cận máy móc, kỹ thuật hiện đại trong quá trình thăm khám, dẫn tới phát hiện nguy cơ muộn hoặc chuyển tuyến không kịp…
Thai phụ cần thực hiện đầy đủ lịch khám thai định kỳ để nhận biết sớm các dấu hiệu tai biến sản khoa. Ảnh: Đình Thi |
Bác sĩ CKII Trần Ngọc Thắng chia sẻ chi tiết về các mức độ nguy hiểm của tai biến sản khoa thường gặp: Băng huyết sau sinh là tai biến có tỷ lệ tử vong hàng đầu ở sản phụ, thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Sản phụ được xác định là băng huyết sau sinh nếu như lượng máu tiếp tục ra trên 500 ml sau sinh ngả âm đạo hoặc 1.000 ml sau mổ lấy thai. Băng huyết sau sinh thường gặp ở những thai phụ sinh nhiều lần, con to, nạo thai nhiều lần, có vết mổ tử cung…
Vỡ tử cung được hiểu là sự xuất hiện của một vết rách trên thành tử cung. Khi tử cung bị vỡ hoàn toàn, vết rách toạc qua các lớp của thành tử cung và hậu quả có thể nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi. Thông thường, khi tử cung đã vỡ, thai nhi sẽ chết và nếu không được xử trí kịp thời thai phụ có khi cũng tử vong. Triệu chứng nhận biết nguy cơ vỡ tử cung là cơn co dồn dập làm cho sản phụ đau đớn vật vã, người bệnh có biểu hiện mặt tái nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt và lịm đi. Tim thai bất thường…
Sản giật là biến chứng của những rối loạn tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai ở 3 tháng cuối của thai kỳ với 3 triệu chứng: tăng huyết áp, protein niệu và phù. Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra ngay khi lên cơn co giật, làm sản phụ hôn mê sâu kéo dài và tử vong. Triệu chứng nhận biết là hoa mắt, chóng mặt, mờ mắt, có thể nôn…
Nhiễm trùng hậu sản là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở sản phụ sau khi sinh xuất phát từ đường sinh dục như âm đạo, cổ tử cung, tử cung trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh. Các hình thái nhiễm trùng hậu sản thường gặp là nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo; viêm niêm mạc tử cung, viêm tử cung và viêm quanh tử cung, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm trùng huyết, viêm tắc tĩnh mạch. Triệu chứng nhận biết nhiễm trùng hậu sản: Sản dịch có mùi hôi, có thể bị sốt, tử cung co chậm và đau.
Uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là tình trạng hệ thần kinh trung ương của trẻ bị nhiễm độc bởi độc tố uốn ván Clostridium tetani. Đây là loại độc tố xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua đường rốn, qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ không được vệ sinh tiệt trùng đúng quy cách, không sạch sẽ. Mặc dù hiện nay y học đã nghiên cứu các phương pháp hồi sức hiện đại nhằm điều trị uốn ván sơ sinh, nhưng tỷ lệ tử vong do uốn ván sơ sinh vẫn cao, lên đến 80%.
Để phòng tránh tai biến sản khoa, bác sĩ khuyến cáo: trong quá trình mang thai bà mẹ cần thực hiện đầy đủ lịch khám thai định kỳ; cần tiêm phòng uốn ván đầy đủ, bổ sung sắt, can xi…; phải có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng. Đặc biệt, khi sinh cần lựa chọn cơ sở y tế có uy tín. Khi có một trong các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, ra nước âm đạo, ra huyết âm đạo, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt; thai máy yếu; đau bên sườn hoặc khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc