Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa HIV bằng điều trị trước và sau phơi nhiễm

08:25, 08/09/2024

Phơi nhiễm HIV là tình trạng niêm mạc hoặc da của người chưa nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với máu, mô, dịch cơ thể của người khác, từ đó làm cho nguy cơ lây nhiễm HIV tăng lên.

Những hành vi có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao gồm: quan hệ tình dục không an toàn; sử dụng chung bơm kim tiêm; giẫm phải bơm kim tiêm có chứa máu và một số hành vi liên quan đến tai nạn nghề nghiệp khác như: y bác sĩ cấp cứu nạn nhân tai nạn bị máu bắn vào mắt, công an truy bắt tội phạm bị thương… Tất cả các nguy cơ phơi nhiễm HIV cần được tư vấn và điều trị kịp thời nhằm phòng ngừa mắc HIV.

Theo thống kê của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), đến hết tháng 7/2024 toàn tỉnh có 2.154 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 1.197 bệnh nhân AIDS, 510 trường hợp tử vong vì AIDS. Các trường hợp mới nhiễm HIV có xu hướng tăng lên trong giới trẻ, đặc biệt là trong nhóm những người có hành vi quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM) với người nhiễm HIV. Đối với những người khi có hành vi nguy cơ phơi nhiễm với HIV nếu được tư vấn, và điều trị phơi nhiễm kịp thời thì nguy cơ lây nhiễm HIV sẽ giảm đi đáng kể.

Bác sĩ CKI Huỳnh Thị Hồng Sinh (Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khuyến cáo: Những người nhiễm HIV đã được điều trị ARV cần tuân thủ điều trị để tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện và sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình và người khác. Còn những người có hành vi nguy cơ phơi nhiễm HIV cần được tư vấn, điều trị phơi nhiễm ngay. Chính vì vậy việc tuyên truyền cho người dân, đặc biệt những người có nguy cơ cao nhanh chóng tiếp cận với cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV là việc hết sức cần thiết.

Người dân được tư vấn và điều trị dự phòng HIV tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: T. Lan

Điều trị phơi nhiễm có hai dạng: điều trị trước phơi nhiễm và điều trị sau phơi nhiễm. Điều trị trước phơi nhiễm PrEP (Pre Exposure Prophylaxis), có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, sử dụng thuốc kháng HIV cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

PrEP thường điều trị cho những người biết chắc chắn mình sẽ đến gặp nguồn lây nhiễm, ví dụ như những trường hợp quan hệ đồng tính nam, nữ bán dâm, hoặc việc vợ chồng của người nhiễm chưa được điều trị ARV đủ 6 tháng nhưng muốn sinh con.

PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự xâm nhập và nhân lên của vi rút HIV dùng để tạo ra các bản sao vi rút mới. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm sử dụng kết hợp hai loại dược phẩm kháng vi rút là với liều dùng mỗi ngày một viên, sử dụng hằng ngày cho những nhóm người có nguy cơ cao.

Hoặc uống theo tình huống (ED-PrEP), điều trị dự phòng trước phơi nhiễm theo tình huống được chỉ định cho nam quan hệ tình dục đồng giới có chỉ định dùng PrEP và có tần suất quan hệ tình dục trung bình dưới 2 lần/tuần và cần bảo đảm được việc dùng thuốc ARV trong vòng 2 - 24 giờ trước khi quan hệ tình dục.

Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP) là việc ngăn ngừa nhiễm HIV trong vòng 72 giờ ngay sau khi có nguy cơ phơi nhiễm (tức là có nguy cơ nhiễm HIV sau khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết của người có HIV).

Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm phải uống đủ số liều trong vòng 28 ngày đối với những hành vi phơi nhiễm HIV như khi quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung kim tiêm, bị xâm hại tình dục.

Khi đang được điều trị cần phải biết rằng PEP có hiệu quả, nhưng không phải tuyệt đối, vì vậy nên tiếp tục sử dụng bao cao su với bạn tình và có các biện pháp an toàn trong khi đang điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, nhằm giúp thể bảo vệ bạn khỏi bị phơi nhiễm HIV một lần nữa và giảm cơ hội lây truyền HIV cho người khác nếu bạn bị nhiễm bệnh trong khi bạn vẫn đang dùng PEP.

Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Sinh chia sẻ: “Trong số những trường hợp điều trị phơi nhiễm mà tôi đảm nhiệm điều trị, hầu hết các trường hợp đều an toàn, không bị nhiễm HIV, kể cả điều trị trước phơi nhiễm và sau phơi nhiễm. Chỉ ngoại trừ hai trường hợp bà mẹ lúc sinh con mới phát hiện bản thân bị nhiễm HIV, tâm lý không tốt và không tuân thủ cho bé uống thuốc dự phòng đúng liều, dẫn đến bé bị nhiễm HIV, còn các bé có mẹ tuân thủ điều trị dự phòng cho con đều khỏe mạnh. Chính vì vậy, tất cả mọi người khi có hành vi nguy cơ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời”.

Hiện trên toàn tỉnh có ba địa chỉ điều trị ARV mà người dân cần tiếp cận khi bị phơi nhiễm HIV là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột và Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang hỗ trợ các đơn vị y tế tuyến huyện hoàn thành thủ tục để thực hiện điều trị ARV cho bệnh nhân tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc tiếp cận điều trị HIV/AIDS cũng như điều trị dự phòng lây truyền HIV trong thời gian tới.

Ngọc Lan - Trần Lan


Ý kiến bạn đọc