Multimedia Đọc Báo in

Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ mắc sởi - cần theo chỉ định của bác sĩ

08:25, 13/10/2024

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tính đến ngày 1/10, toàn tỉnh ghi nhận 185 trường hợp mắc bệnh sởi tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện M’Drắk), tập trung nhiều nhất tại TP. Buôn Ma Thuột với 102 trường hợp, huyện Lắk 28 trường hợp, Krông Pắc 12 trường hợp, huyện Cư Kuin và Cư M’gar mỗi huyện 8 trường hợp…

Bác sĩ CKI Vi Thị Huệ, Trưởng Khoa Dinh dưỡng (CDC) cho biết, sởi là một bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra và có khả năng lây lan cao qua đường hô hấp.

Bệnh sởi có các triệu chứng đặc trưng là sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp.

Bệnh lây từ người sang người, chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ bị biến chứng như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh sởi, đặc biệt là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa từng mắc sởi.

Vitamin A liều cao dùng cho trẻ mắc bệnh sởi phải theo sự chỉ định của bác sĩ. Ảnh: Quang Nhật

Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh sởi. Bệnh nhân mắc sởi chủ yếu được điều trị hỗ trợ và cần cách ly sớm để tránh lây lan. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các điều trị hỗ trợ bao gồm vệ sinh da, mắt, miệng họng, tăng cường dinh dưỡng, hạ sốt, bồi phụ nước điện giải, bổ sung vitamin A; theo dõi phát hiện và điều trị sớm các biến chứng.

Trong đó, vitamin A liều cao được chỉ định trong điều trị hỗ trợ bệnh sởi bởi vitamin A có các chức năng quan trọng như giúp bảo vệ sự toàn vẹn của các tế bào biểu mô bao phủ ở mặt ngoài của cơ thể như da hoặc lót ở mặt trong của các cơ quan nội tạng như các tế bào lót ở mặt trong của ống tiêu hóa, hô hấp và bài tiết, các tuyến nội tiết…

Vitamin A đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của các tế bào thị giác, tham gia vào quá trình sản xuất và hoạt động của các tế bào miễn dịch như bạch cầu giúp chống lại các tác nhân nhiễm trùng. Vitamin A được sử dụng trong điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân sởi nhằm giảm nguy cơ bị các biến chứng khô – loét giác mạc có thể dẫn đến mù lòa và các biến chứng nhiễm trùng như viêm da, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não – màng não, viêm cơ tim…

Như trường hợp con chị M.T.L.A. (28 tháng tuổi, trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) mắc bệnh sởi phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Do bé sinh ra đã nhẹ cân, hay ốm và suy dinh dưỡng, nên khi nhập viện, tình trạng của bé khá nặng. Chị A. cho hay: “Bé nhà tôi bị sởi biến chứng đường tiêu hóa gây tiêu chảy, biến chứng mắt khiến hai mắt sưng đỏ. Để giúp con cải thiện sức khỏe, các bác sĩ đã cho cháu uống bổ sung vitamin A và theo sát các chỉ số, chăm sóc, điều trị bé rất tốt. Nhờ vậy, đến nay tình trạng bệnh của con đã được cải thiện. Bé đã ăn uống được, mắt không còn đổ ghèn và đỏ như những ngày mới vào viện”.

Song bác sĩ Vi Thị Huệ khuyến cáo: Vitamin A liều cao giúp hỗ trợ điều trị bệnh sởi hiệu quả, tuy nhiên, việc sử dụng vitamin A liều cao cần phải được kê đơn chỉ định bởi bác sĩ khám và điều trị cho bệnh nhân sởi. Người dân không được tự ý mua và sử dụng vitamin A liều cao vì có thể bị các tác dụng phụ hoặc thậm chí ngộ độc vitamin A gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân.

Ngọc Lan - Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.