Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ “Góc truyền thông” ở y tế cơ sở

08:21, 05/11/2024

Xác định tầm quan trọng của công tác truyền thông trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, những năm qua ngành y tế đã xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình “Góc truyền thông” tại các trạm y tế xã.

Đắk Nuê là xã vùng III của huyện Lắk với gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, vì vậy, việc tiếp cận thông tin y tế của người dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Chị Đặng Thị Mỹ Hạnh, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Đắk Nuê cho biết, những năm qua, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm. Với 600 – 700 lượt bệnh nhân đến thăm khám/quý, góc truyền thông của trạm được bố trí ngay tại phòng khám bệnh để tiện cho việc tư vấn và tuyên truyền.

Đa phần người dân chỉ đến khám bệnh, lấy thuốc nên cán bộ y tế sẽ tranh thủ lồng ghép tuyên truyền trực quan sinh động bằng sách, báo, tờ rơi, áp phích, tài liệu về phòng chống HIV/AIDS, sốt xuất huyết, dân số kế hoạch hóa gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm... để người dân kịp thời nắm bắt thông tin và chủ động phòng ngừa.

Người dân tìm hiểu cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại "Góc truyền thông" y tế xã Ea Hu (huyện Cư Kuin).

Tại Trạm Y tế xã Ea Hu (huyện Cư Kuin), ngay từ khi thành lập, trạm cũng đã thiết lập góc truyền thông y tế. Bà Nguyễn Thị Minh Dần, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Ea Hu cho hay, trạm đã bố trí hai khu vực để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, khu vực ngoài sân là tờ rơi thông tin nhanh về các loại dịch bệnh, mức độ nguy hiểm, cách phòng tránh. Khu vực bên trong sẽ có tủ tài liệu gồm các ấn phẩm, sách, báo và bàn tư vấn cho người dân. Các tài liệu được sắp xếp theo từng mục, nội dung, chương trình riêng để người dân dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận.

 

“Mô hình “Góc truyền thông” tại các trạm y tế không những là kênh thông tin chính thống và kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân về các chính sách, chương trình, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về y tế mà còn là “cánh tay nối dài” giúp nâng cao nhận thức, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường sống, ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm vì sức khỏe cộng đồng" - bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Ngoài góc truyền thông tại trạm, công tác tuyên truyền cũng được trạm triển khai theo phương thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà” thông qua các cộng tác viên y tế tại 8 thôn, lồng ghép qua các buổi sinh hoạt chào cờ tại trường học hoặc trong các buổi tiêm chủng. Nhờ thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, trong 9 tháng đầu năm 2024, xã Ea Hu có tỷ lệ người dân đến khám, chữa bệnh cao nhất huyện với gần 2.000 lượt người. Trung bình có từ 12-17 lượt người đến khám chữa bệnh/ngày, tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế đạt 92%.

Một trong những đơn vị được đánh giá cao trong việc triển khai mô hình góc truyền thông là Trạm Y tế xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Bác sĩ Nguyễn Đình Thảo, Trưởng Trạm Y tế xã cho biết, toàn xã hiện có trên 4.500 hộ gia đình với trên 19.000 nhân khẩu, sinh sống ở 14 thôn, buôn. Cùng với các mô hình truyền thông lồng ghép, truyền thông trực tiếp hộ gia đình, truyền thông zalo nhóm, truyền thông trên loa truyền thanh xã thì mô hình góc truyền thông đã thực sự phát huy hiệu quả và thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu của người dân trong thời gian qua.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chăm sóc sức khoẻ, Trạm Y tế xã đã tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu và ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, huy động các tổ chức xã hội, các đoàn thể tích cực tham gia vào công tác xã hội hóa y tế. Bên cạnh đó, trạm y tế còn chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ y tế thôn, buôn.

Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, tính chất thay đổi từng ngày nên nội dung tuyên truyền cũng được cập nhật liên tục. Ngoài ra, ngay sau khi có các văn bản, hướng dẫn, luật mới ban hành của Chính phủ, ngành y tế và của địa phương thì Trạm Y tế xã Ea Kao cũng đều tổng hợp, niêm yết ngay trên bảng tin của góc truyền thông để người dân nắm bắt kịp thời.

Với hơn 45% hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền phổ biến các chính sách liên quan đến y tế, giáo dục sức khỏe phải được thực hiện một cách ngắn gọn, súc tích để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Tại góc nhỏ truyền thông được xây dựng là các bản tin nhỏ, hay như những thông điệp của ngành, của địa phương, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh làng xóm, ăn ở hợp vệ sinh, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu không có lợi cho sức khoẻ.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thảo, Trưởng Trạm Y tế xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra, cập nhật thông tin mới trong lĩnh vực y tế tại "Góc truyền thông" y tế của xã

Chị H.W.E. (Buôn HDrát, xã Ea Kao) chia sẻ: “Đưa con đến tiêm chủng tại trạm y tế xã, ngoài được tư vấn sức khỏe tôi còn được xem sách báo kèm theo những hình ảnh minh họa tuyên truyền rất dễ hiểu. Nhờ tiếp cận thông tin kịp thời, không chỉ gia đình tôi mà hiện nay hầu hết số trẻ ở trong buôn được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ; phụ nữ có thai được khám định kỳ, chăm sóc sau sinh”.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.