Multimedia Đọc Báo in

Linh hoạt và phù hợp chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19 (kỳ 2)

07:01, 18/08/2021

Phân tầng điều trị F0

Khác với 3 đợt dịch trước với số ca mắc còn ít, số cơ sở y tế huy động cho cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 chưa nhiều, đến đợt dịch thứ tư, khi dịch bùng phát mạnh, ngành y tế tỉnh đã thiết lập đơn vị hồi sức tích cực (ICU) và các đơn vị điều trị ngay tại tuyến cơ sở để nâng cao hiệu quả của công tác này.

Mô hình “tháp 3 tầng”

Để tăng cường năng lực thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19, ngành y tế đã thống nhất phân tầng điều trị thành 3 tầng. Trong đó, tầng 1 gồm Bệnh viện dã chiến số 1, Trung tâm Y tế Krông Búk, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; tầng 2 là Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân có triệu chứng trung bình, người lớn tuổi, có bệnh lý nền; tầng 3 là khu điều trị ICU thuộc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây nguyên – tuyến cuối của tỉnh - tiếp nhận điều trị đối với các bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Bên trong khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh (Ảnh chụp qua camera).

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hùng, việc phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng” như hiện nay nhằm quản lý các trường hợp F0 chặt chẽ, phù hợp với diễn tiến của bệnh; giúp các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch theo dõi, điều trị đối tượng F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ; xử trí kịp thời các trường hợp F0 có bệnh nền, diễn biến nặng, phải hồi sức, hạn chế tử vong. Đây là cách thích ứng với diễn tiến của dịch bệnh trong thời điểm hiện nay.

Việc phân tầng điều trị F0 còn là cách để ngành y tế giảm áp lực cho nhân viên y tế, không dàn trải quá mức trang thiết bị lẫn nhân lực, bởi mỗi tầng sẽ được bố trí trang thiết bị và nhân viên y tế chuyên ngành điều trị phù hợp để điều trị có hiệu quả nhất.

“Hiện công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện được điều hành tốt, diễn tiến điều trị khá khả quan. Thành công này có một phần đóng góp quan trọng của hệ thống hội chẩn từ xa qua Tele-Health”.

Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Châu Đương

 

Đơn cử như tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, khi chưa triển khai phân tầng điều trị, nơi đây tiếp nhận tất cả các bệnh nhân COVID-19 từ không có triệu chứng đến bệnh nhân nặng, nguy kịch nên nảy sinh rất nhiều khó khăn. Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Châu Đương chia sẻ, khi chuyển đổi công năng từ một bệnh viện chuyên khoa sang bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, đơn vị cũng gặp nhiều trở ngại, đó là bệnh viện chưa có khoa hồi sức tích cực, phải cải tạo từ khu nhà ăn nên không đạt các tiêu chí đối với điều trị hồi sức tích cực; bệnh viện chưa có hệ thống oxy trung tâm; chưa được đầu tư trang thiết bị (cả bệnh viện mới có 6 máy thở và một số monitoring, còn tất cả các máy móc khác đều phải điều chuyển từ Bệnh viện Đa khoa vùng sang). Hơn nữa, là bệnh viện chuyên khoa nên nguồn nhân lực mỏng, năng lực chuyên môn có hạn chế nhất định, nên khi điều trị bệnh nhân nặng, bệnh viện phải nhờ đến sự chi viện nhân lực từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để cùng phối hợp điều trị. Vì thế, khi thực hiện phân tầng điều trị sẽ phần nào giúp giảm áp lực cho bệnh viện khi phải điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Kết nối công nghệ Tele-Health

Cùng với việc thực hiện phân tầng điều trị F0, việc thực hiện kết nối Tele-Health trong điều trị COVID-19 đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị cũng như nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác điều trị .

Hệ thống camera theo dõi bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẵn sàng đi vào hoạt động (Ảnh chụp trước ngày 15-8).

Tele-Health là hệ thống công nghệ khám chữa bệnh trên toàn quốc, cho phép các chuyên gia hàng đầu hội chẩn trực tiếp với tuyến dưới trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời cho bệnh nhân COVID-19 và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ; đồng thời giúp đội ngũ y bác sĩ tuyến dưới yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hùng cho biết, để ứng dụng hệ thống Tele-Health, ngay khi các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 được thiết lập, Sở Y tế đã yêu cầu bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền... cử đầu mối liên hệ, kết nối ngay với bệnh viện tuyến trên để được hướng dẫn, hội chẩn từ xa theo định kỳ và đột xuất. Qua việc hội chẩn trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành của Trung ương, của tỉnh sẽ giúp các đơn vị tìm ra giải pháp tối ưu nhất để xử trí kịp thời trong tình huống bệnh nhân diễn tiến bất thường để công tác điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Thực tế cho thấy, nhờ phát huy hiệu quả hệ thống Tele-Health trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân, trong đợt dịch thứ ba (năm 2020), nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch trên địa bàn tỉnh đã được điều trị kịp thời. Trong đợt dịch thứ tư này, thông qua ứng dụng Tele-Health các cơ sở điều trị đã tận dụng được “giờ vàng” trong điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, nhất là khi biến chủng Delta có diễn biến lâm sàng nhanh hơn so với các biến chủng trước, không chỉ tấn công người bệnh có bệnh lý nền, cao tuổi mà còn gây diễn tiến nặng, nhanh với những người trẻ tuổi, không có bệnh lý nền.

Kim Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.