Multimedia Đọc Báo in

Nữ điều dưỡng tận tình với bệnh nhân COVID-19

22:35, 30/01/2022

Gần 2 tháng qua kể từ khi được điều động từ Trung tâm Y tế huyện Ea Kar lên làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 1 điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh, điều dưỡng H’Wi Byă (33 tuổi) luôn xem bệnh nhân như người thân trong gia đình, lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ khi người bệnh cần. Đặc biệt, trong những ngày Tết cận kề, chị đã luôn ở bên động viên tinh thần để người bệnh an tâm điều trị.

Ngày cuối năm, khi nhà nhà đang chuẩn bị Tết thì ở bên trong cánh cổng bệnh viện, điều dưỡng H’Wi Byă và các đồng nghiệp vẫn đang tất bật với công việc chuyên môn, tiêm, truyền dịch, đặt nội khí quản, hút đờm cho người bệnh và hỗ trợ các bác sĩ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác. Hiểu được tâm trạng người bệnh khi không được đoàn tụ đón Tết cùng gia đình, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị H’Wi lại tranh thủ đến từng giường bệnh, hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần để người bệnh phấn chấn tinh thần, yên tâm điều trị ở bệnh viện trong những ngày Tết.  

Mặc dù đã gắn bó với nghề y được 10 năm, nhưng công việc mỗi ngày tại Bệnh viện Dã chiến số 1 khác biệt khá nhiều so với khi làm việc tại Trung tâm y tế huyện Ea Kar. Ở đây người bệnh khá đa dạng, từ người lớn tuổi, thanh niên đến trẻ nhỏ và cả những sản phụ mang thai, nguy cơ rủi ro mang lại cho bản thân cũng không hề nhỏ và đặc biệt khi bệnh nhân COVID -19 vào điều trị phải cách ly hoàn toàn với người thân. Trong bệnh viện chỉ có bệnh nhân và thầy thuốc, vì vậy trách nhiệm của những y, bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 1 không chỉ đơn thuần là điều trị, cứu chữa mà còn chăm sóc, giúp đỡ họ từ những việc nhỏ nhất.

Điều dưỡng HWi Byă thăm hỏi tình hình sức khỏe của bệnh nhânCOVID-19 đang điều trị tại bệnh viện.
Điều dưỡng H'Wi Byă thăm hỏi tình hình sức khỏe của bệnh nhânCOVID-19 đang điều trị tại bệnh viện.

Sau mỗi ca trực, người đều ướt đẫm mồ hôi vì phải mặc đồ bảo hộ kín mít suốt 7 tiếng đồng hồ, vậy nhưng, mỗi giây phút được nghỉ ngơi, nỗi nhớ nhà, thương con nhỏ mới được 5 tuổi lại trào dâng trong lòng. Gần 2 tháng xa nhà, phương tiện liên lạc duy nhất giữa chị với chồng con cũng chỉ là chiếc điện thoại. “Những lúc gọi điện về nhà nói chuyện với con, tôi nhớ lắm! Con bé còn nhỏ nhưng cũng biết động viên tôi cố gắng làm việc tốt, ở nhà tuy nhớ mẹ nhưng luôn có bố bên cạnh, nghe con nói như vậy tôi cũng yên tâm và ngày nào cũng luôn cầu mong sẽ sớm đẩy lùi COVID để được trở về nhà với gia đình”.

Là người đầu tiên tiếp xúc và hướng dẫn điều dưỡng H’Wi Byă khi chị chuyển từ Trung tâm y tế huyện Ea Kar lên nhận nhiệm vụ ở Bệnh viện Dã chiến số 1, điều dưỡng Trần Thị Quế, Cán bộ phụ trách kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện Dã chiến số 1 cho biết, điều dưỡng H’Wi, không chỉ là người có trách nhiệm trong công việc, luôn quan tâm chăm sóc tận tình cho các bệnh nhân, chị còn là thông dịch viên giữa bệnh nhân đồng bào dân tộc thiểu số với các y, bác sĩ và điều dưỡng trong bệnh viện.

Theo chị Quế, sự bất đồng ngôn ngữ chính là rào cản rất lớn trong việc điều trị cho bệnh nhân, và rào cản đó hoàn toàn được phá bỏ nhờ những người như điều dưỡng H’Wi. “Ở đây mình tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân đồng bào dân tộc thiểu số lớn tuổi không nói được tiếng phổ thông, nhờ có H’Wi phiên dịch, chúng tôi hiểu được tình hình sức khỏe của người bệnh và đời sống, tâm tư của gia đình để từ đó động viên họ kịp thời” – chị Quế chia sẻ.

Có lẽ, chưa thể biết trước ngày trở về với điều dưỡng H’Wi và các đồng nghiệp ở bệnh viện Dã chiến số 1 khi khối lượng công việc còn bộn bề, lượng bệnh nhân vào điều trị giảm chưa đáng kể. Song, gác lại nỗi lo lắng và tình cảm riêng tư, nhất là khi ngày Tết Nguyên đán đang cận kề, điều dưỡng H’Wi vẫn đang nỗ lực từng ngày để cùng người bệnh chiến đấu, giành giật với sự sống ở “cuộc chiến” này.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.