Multimedia Đọc Báo in

Bí quyết giúp F0 giảm ho, rát họng

16:55, 23/03/2022

Sau khi mắc COVID-19, nhiều người khỏi bệnh nhưng lại gặp phải một loạt các vấn đề về sức khỏe mới, trong đó, ho là một trong những dấu hiệu điển hình. Tình trạng ho, rát họng có thể kéo dài và gây ra sự mệt mỏi. Bởi vậy, giảm ho và tránh tổn thương phổi là điều mà nhiều người quan tâm.

Ho là phản ứng bảo vệ cơ thể, nhằm tống xuất dị vật, mầm bệnh ra khỏi đường hô hấp, tuy nhiên ho quá nhiều sẽ gây mệt, khó ngủ và cần phải được điều trị kịp thời.

Ho dai dẳng hậu COVID là do đâu?

Triệu chứng hậu COVID biểu hiện ở đa cơ quan, trong đó biểu hiện về hô hấp là phổ biến. Một số nghiên cứu cho thấy, ho khan kéo dài, hụt hơi, khó thở là những triệu chứng dai dẳng và thường gặp, với tỷ lệ từ 42-66% trong vòng 3 tháng sau mắc bệnh.

Theo thống kê, có khoảng 50-70% những người mắc COVID-19 có triệu chứng ho khan, rát họng và tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài nhiều tháng sau khi khỏi bệnh. Các nguyên nhân của ho, rát họng hậu COVID thường thấy như:

- Sau khi mắc bệnh, cơ thể đào thải xác virus, những chất tiết ra ngoài

- Do cơ địa người bệnh dị ứng, hen suyễn, sau khi nhiễm virus SARS-CoV2, tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

- Người bệnh bị trào ngược dạ dày. Hội chứng này khiến cho acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản cũng gây ra ho kéo dài, thường xảy ra sau khi cơ thể căng thẳng, lo lắng.

- Do sự kích thích trung khu thần kinh hô hấp ở vùng khí quản, hầu họng gây ho

- Một số trường hợp nặng hơn là do viêm phế quản, viêm phổi, xơ phổi trong thời gian nhiễm COVID-19, khiến phổi sau này không hoạt động bình thường, dễ kích thích, thiếu độ giãn nở dẫn đến những cơn ho kéo dài.

Phương pháp giảm ho, rát họng

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu chỉ ho khan, ngứa rát họng mà không có đờm thì không nên dùng kháng sinh. Tuy nhiên sự tổn thương niêm mạc đường hô hấp có thể gây ra bội nhiễm vi khuẩn một số trường hợp ho nặng và ho có đờm có thể phải dùng kháng sinh, trường hợp này cần có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ.

Nếu phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu như khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít; nhịp thở ở người lớn ≥ 20 lần/phút; SpO2 ≤ 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút; huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg; đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả…, cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám hoặc liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ tư vấn, nhằm phát hiện sớm các di chứng, biến chứng để điều trị kịp thời.

Để cải thiện tình trạng ho, rát họng, người bệnh cần bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày, từ 1,5 đến 2 lít. Bên cạnh đó, tránh các thức uống quá lạnh, đồ uống có gas, có cồn, có chứa caffeine, đồ ăn cay, nóng, dầu mỡ…Nên thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối, có thể dùng thảo dược tự nhiên như: gừng, tỏi, đường phèn, chanh, mật ong để giảm ho...

Hãy tập hít thở nhẹ nhàng, hít vào chậm và thật sâu, từ từ thở ra nhiều lần trong ngày, tránh hít thở nhanh vì sẽ làm cho không khí đi vào phổi đột ngột, kích thích gây nên cơn ho. Bên cạnh đó, ở những bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh cần lưu ý khi trở lại hoạt động thể chất, đặc biệt là đối với những người bị COVID-19 kéo dài.

Nếu quay trở lại tập luyện với cường độ cao và gấp rút có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là dễ gặp tình trạng khó thở, đau tức ngực. Nên nói ít, nói vừa phải, không gắng sức trong tất cả mọi hoạt động để giảm nhịp thở nhanh gây kích ứng cơn ho. Khi ngủ, hãy nằm đầu cao hoặc nằm nghiêng, tư thế này sẽ giúp cho đường hô hấp mở, thông thoáng và ngăn ngừa các chất kích ứng cổ họng.

Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thêm các sản phẩm siro ho chiết xuất từ các thảo dược với công dụng hỗ trợ bổ phế, hỗ trợ làm giảm ho khan... 

Theo Sức khỏe và Đời sống
 


Ý kiến bạn đọc