Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Ngành y tế gặp khó khăn khi số ca F0 tăng nhanh

17:52, 04/03/2022

Với khoảng 1.000 ca bệnh COVID-19 (F0) mới xuất hiện mỗi ngày, TP. Buôn Ma Thuột đang phải đối mặt với khó khăn về nhân lực, vật tư y tế phòng, chống dịch.

Khi nhận được thông tin dương tính với SARS-CoV-2 sau buổi test sàng lọc tại cơ quan, chị N.T.X. (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) và 4 người thân (tiếp xúc gần với chị X.) đã đến trạm y tế phường để khai báo y tế và test xác định. Tuy nhiên, khi đến trạm, sau khi xếp hàng chờ đến lượt khai báo, chị X. được cán bộ trạm thông tin hiện trạm không còn kit test để làm xét nghiệm. Do đó trạm đã công nhận kết quả test của chị X. tại cơ quan (do nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện), còn người thân (F1) của chị thì phải mang kit test đến trạm mới hỗ trợ làm xét nghiệm. Sau khi nhờ người thân mang đến 4 bộ kit test, các F1 đã được xét nghiệm và kết quả có thêm mẹ ruột chị X. cũng dương tính. Chị X. và mẹ không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ nên đã được điều trị tại nhà, các F1 cũng được cán bộ trạm hướng dẫn cách ly phòng, chống dịch.

Nhân viên Trạm Y tế phường Ea Tam tư vấn, hướng dẫn người dân tham gia nhóm Zalo quản lý, điều trị F0 tại nhà.

Tương tự, là tiểu thương buôn bán trên địa bàn phường Ea Tam, hằng ngày chị N.T.M. tiếp xúc với rất nhiều người. Trước việc số người mắc bệnh ngày một gia tăng, ngày nào chị cũng lo lắng sợ mình vô tình bị nhiễm bệnh rồi lây cho cha mẹ già và con cái. Do đó, cứ cách vài ngày chị lại làm test nhanh để xác định mình có mắc bệnh hay không để yên tâm tiếp xúc với người nhà. Vì không nằm trong diện đối tượng được test miễn phí, lại không yên tâm khi tự test tại nhà, chị M. đã chủ động mua bộ kit test nhanh kháng nguyên mang đến trạm y tế phường nhờ cán bộ y tế test giúp.

“Tâm lý chung của mọi người bây giờ là lo sợ bị mắc bệnh mà không biết, nên hầu như nhà nào cũng mua kit test về để dành dùng khi cần thiết khiến mặt hàng này khan hiếm. Mấy hôm nay tôi ra cửa hàng thuốc tây mua đều nhận được thông tin đã hết hàng nên cũng không biết phải tìm mua ở đâu”, chị N.T.M. chia sẻ.

Ghi nhận tại Trạm Y tế phường Ea Tam, trung bình mỗi ngày trạm tiếp nhận cả trăm F0 đến khai báo y tế và test nhanh kháng nguyên để kiểm tra. Bác sĩ Ngô Mạnh Cường, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Ea Tam cho biết, những ngày qua trạm trở nên quá tải, số ca bệnh gia tăng quá nhanh, trong khi nguồn nhân lực ít, vật tư y tế, đặc biệt là kit test xét nghiệm thiếu nhiều. Đơn cử như ngày 28/2, Trạm được cấp 300 kit test nhưng chỉ chưa đầy 2 ngày đã không còn cái nào. Do đó, trừ những đối tượng nằm trong quy định được y tế test miễn phí như người có biểu hiện triệu chứng, người già trên 65 tuổi, người thân trong gia đình F0… còn những trường hợp khác thì tự mang theo kit test, trạm sẽ hỗ trợ lấy mẫu và thực hiện test.

Nhân viên Trạm Y tế phường Ea Tam tư vấn, hướng dẫn người dân tham gia nhóm Zalo quản lý, điều trị F0 tại nhà.

Hiện tại, Trạm Y tế phường Ea Tam đang quản lý, theo dõi hơn 900 ca bệnh cách ly, điều trị tại nhà, trong khi lực lượng y tế mỏng, không thể đến từng hộ để thăm khám. Để đảm bảo tất cả các ca bệnh đều được tư vấn, can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu trở nặng, Trạm đã thành lập nhóm Zalo hỗ trợ, tư vấn những người dân mắc bệnh trên địa bàn phường. Qua đó, đều đặn hằng ngày, người dân sẽ được cán bộ y tế hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi, điều trị tại nhà. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người dân báo tin, lực lượng y tế của phường sẽ đến can thiệp kịp thời.

Tình trạng quá tải bệnh nhân, thiếu nhân lực, vật tư y tế đang xảy ra ở hầu hết các trạm y tế trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Võ Minh Hùng cho hay, tính đến thời điểm này, thành phố đang tiến hành cách ly, điều trị tại nhà cho hơn 7.000 trường hợp mắc COVID-19, có những phường hơn 1.000 trường hợp. Mặc dù các trạm y tế xã, phường đã được bổ sung thêm nhân lực là các tình nguyện viên nhưng trước sự gia tăng đột biến số ca bệnh, nguồn nhân lực vẫn rất mỏng, công việc của cán bộ y tế trở nên quá tải, áp lực lớn. Bên cạnh đó, vật tư y tế, đặc biệt là kit test xét nghiệm nhanh tại các trạm cũng đang thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân. Trung bình mỗi ngày thành phố ghi nhận khoảng 1.000 ca bệnh mới,  phải sử dụng khoảng 3.000 kit test, nhưng lượng kit test tại Trung tâm được Sở Y tế cấp không đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu kit test trầm trọng.

 “Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện Trung tâm Y tế thành phố đã triển khai đến các trạm chỉ tập trung test cho những đối tượng có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, sổ mũi... Mong người dân hết sức chia sẻ với khó khăn của ngành y tế, nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, nâng cao ý thức khi cách ly, điều trị tại nhà và tự trang bị các vật tư y tế cần thiết trong công tác phòng, chống dịch” - bác sĩ Hùng chia sẻ.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.