Multimedia Đọc Báo in

"Lá chắn thép" chi viện vùng dịch phía Nam

08:23, 24/08/2021

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong những ngày cuối tháng 8 này, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Trung đoàn Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) Tây Nguyên, thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ đã xuất quân chi viện các tỉnh thành miền Nam hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

5 giờ sáng ngày 23-8, các CBCS Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên đã có mặt ở điểm tập hợp của đơn vị trên đường Đồng Khởi, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) để lên đường chi viện hỗ trợ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chống dịch COVID-19. Hành trang mang theo là chiếc va li có logo “Cảnh sát cơ động” với mã số riêng của từng người, mỗi người một nỗi niềm riêng nhưng đều chung một “tinh thần thép” chủ động, sẵn sàng lên đường vì miền Nam ruột thịt.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên trong lễ xuất quân hỗ trợ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phòng, chống dịch COVID-19.

Đại úy Trần Đăng Sơn, Ban Huấn luyện của Trung đoàn chia sẻ, tình nguyện đăng ký tham gia chi viện cho các tỉnh miền Nam phòng, chống dịch, anh được vợ động viên, khích lệ tinh thần nên rất an tâm làm nhiệm vụ. Được biết, vợ chồng anh Sơn đã có hai con, bé đầu 8 tuổi và bé sau mới tròn 2 tuổi. Dẫu đơn vị cách nhà chỉ mấy cây số, nhưng hơn 2 tháng nay, anh tạm gác nỗi niềm riêng để toàn tâm toàn ý vào thực hiện nhiệm vụ. Nay khi lên đường vào hỗ trợ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trách nhiệm càng nặng nề hơn, anh hứa sẽ làm tốt công việc được giao, góp sức nhỏ bé cùng cán bộ, nhân dân tỉnh bạn đẩy lùi dịch bệnh.

Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên có nhiệm vụ chính giữ gìn an ninh trật tự và sẵn sàng tăng cường lực lượng hỗ trợ Công an các tỉnh Tây Nguyên giải quyết các sự việc, vụ việc diễn ra trên địa bàn, góp phần mang lại bình yên cho nhân dân toàn khu vực.

Gắn bó với Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên 9 năm nay, đây là lần đầu tiên Trung úy Hà Huy Hoàng nhận nhiệm vụ đi hỗ trợ tỉnh bạn phòng, chống dịch và bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trước lúc lên đường, anh cùng đồng đội được đơn vị huấn luyện nghiệp vụ về phòng, chống dịch rất kỹ càng. Với tâm thế sẵn sàng, anh tin tưởng bản thân và toàn thể CBCS lên đường đợt này sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tại buổi lễ xuất quân, Thượng tá Diêm Công Toàn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên đã căn dặn, động viên CBCS: "Tôi mong các đồng chí mang hết khả năng, nhiệt huyết, trọng trách trên vai, cùng với nhân dân cả nước, đồng chí đồng đội và Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sớm đẩy lùi dịch bệnh. Các đồng chí nêu cao tinh thần vượt nắng thắng mưa, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài công việc chung, các đồng chí cần xây dựng hình ảnh của người chiến sĩ Công an nhân dân nói chung và hình ảnh màu cờ sắc áo của Trung đoàn CSCĐ nói riêng; nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy tại địa phương để làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình”.

Chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên mang theo hành trang lên đường chi viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phòng, chống dịch COVID-19.

Thượng tá Diêm Công Toàn cho biết thêm, thực hiện mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Công an và Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ, đây là lần thứ hai Trung đoàn cử CBCS lên đường vào chi viện các tỉnh thành phía Nam hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trước đó, vào ngày 21-8, hơn 300 CBCS của đơn vị đã xuất quân vào hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh phòng, chống dịch. Trung đoàn đã chuẩn bị đầy đủ quân tư trang gồm kính chống giọt bắn, khẩu trang, đồ bảo hộ phòng, chống dịch cấp độ 1, găng tay, cồn sát khuẩn... cho lực lượng đi làm nhiệm vụ.

Với tinh thần "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" và khẩu hiệu hành động "Lực lượng CSCĐ - Lá chắn thép, mũi nhọn chủ công, xung phong tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an ninh trật tự", tin tưởng rằng hơn 400 CBCS của đơn vị lên đường chi viện TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ chung sức, đồng lòng làm tốt vai trò, trọng trách được giao.

 Kim Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.