Nhớ những năm tháng "ôm vô lăng" trên chiến trường
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Hồ Văn Thanh, nhân viên lái xe (Ban Hành chính, Cục Chính trị Quân khu 5) từng có những năm tháng “ôm vô lăng” phục vụ chiến đấu trên chiến trường nước bạn Campuchia trong chiến tranh biên giới Tây Nam, đối mặt với “đói, đau, đạn, địch”, vào sinh ra tử cả chục lần.
Kỷ niệm về những chuyến xe đặc biệt chở thi hài cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên chiến trường nước bạn hồi hương vẫn vẹn nguyên trong tâm trí anh…
Sau khóa đào tạo lái xe ô tô, mô tô do Quân khu 5 tổ chức, cuối năm 1985, chàng thanh niên Hồ Văn Thanh quyết định viết đơn nhập ngũ. Hoàn thành chương trình huấn luyện tân binh, theo điều động của cấp trên, anh cùng các chiến sĩ trẻ trong đơn vị hăng hái khoác ba lô, hành quân sang đất bạn Campuchia chiến đấu với lực lượng Pol Po – Ieng Xary. Tại Mặt trận 579, anh được biên chế vào Đại đội vận tải thuộc Tiểu đoàn 782 (Cục Hậu cần Quân khu 5), đóng quân cách tỉnh lỵ Stung Treng vài cây số.
Trên những chiếc xe Zin 130, xe Gaz 66 “nồi đồng cối đá” lỗ chỗ vết đạn găm, chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã tham gia vận chuyển được hàng trăm tấn đạn dược, thuốc men, quân lương, quân trang cho các cơ quan, đơn vị của bộ đội ta trên khắp chiến trường.
Thời điểm ấy, để bảo vệ hàng, mỗi khi lái xe ra khỏi “vùng xanh” (khu vực an toàn), các tài xế đều phải tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn của đội ngũ giao liên, cảnh giới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã không ít lần xe của anh bị địch phục kích, bắn thủng thùng xăng, vỡ toang cả lốp song may mắn đều bình an vô sự. Cứ sau mỗi lần “chết hụt”, kinh nghiệm, bản lĩnh của những người lính trẻ lại dày thêm. Giữa chiến trường ác liệt, lời ca, tiếng hát, tinh thần lạc quan luôn ngập tràn khoang lái.
Trung tá Hồ Văn Thanh trong chuyến đi thăm Bảo tàng Khu 5. |
Nhắc chuyện chiến trường, mắt anh Thanh ngấn lệ, giọng chùng hẳn xuống: “Một đêm cuối mùa đông năm 1987, tôi được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ điều khiển chiếc Gaz 66 thùng kín lên Bệnh viện Quân y 21 (Mặt trận 579) nằm ở trung tâm tỉnh lỵ Stung Treng, tiếp nhận 6 thi hài bộ đội và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn hồi hương.
Khi đó, tuy còn thiếu thốn đủ bề, song thi hài của các liệt sĩ vẫn được đội ngũ y, bác sĩ khâm liệm, bảo quản trong các túi đựng tử thi và đặt vào hòm ván rất cẩn thận. Sáng hôm sau, trước khi nổ máy lên đường, tôi thành tâm thắp một nén hương, cầu mong các liệt sĩ linh thiêng phù hộ độ trì cho chuyến đi thượng lộ bình an.
Gần 11 tiếng hành quân liên tục, vượt qua 300 km đường đèo dốc quanh co, chi chít ổ gà, ổ voi, gần chập tối, xe cũng về đến Cửa khẩu Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, Gia Lai). Do đơn vị đã liên hệ từ trước nên công tác bàn giao tử sĩ, hồ sơ, giấy tờ, di vật diễn ra rất thuận lợi, trang nghiêm. Sáng hôm sau, từ Lệ Thanh, tôi tiếp tục bốc hàng, nổ máy quay về đơn vị”.
Sau lần ấy, cứ vài tháng, anh Thanh lại nhận nhiệm vụ chở thi hài các liệt sĩ về nước một lần. Bằng tình cảm, trách nhiệm và sự kính trọng đối với các Anh hùng liệt sĩ, quá trình cơ động, anh luôn cố gắng điều khiển xe đi thật thật êm, thật nhẹ, hạn chế tối đa sự rung xóc, lắc lư.
Cuối năm 1989, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, anh Thanh được cử đi học lái xe ca, xe tải hạng nặng, sau đó chuyển về công tác tại Cục Chính trị Quân khu 5.
Gần 40 năm quân ngũ, lái đủ các loại xe, từ khi còn là một chiến sĩ binh nhì đến lúc mang quân hàm trung tá, anh vẫn luôn tự nhủ “mình được trở về là điều may mắn, cho nên phải sống làm sao để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ, những người đã một thời cùng anh chia ngọt, sẻ bùi trong khói lửa chiến tranh”.
Thuận An
Ý kiến bạn đọc