Tự hào chiến sĩ chống "giặc lửa"
Tết năm 1955, cái Tết hòa bình đầu tiên trở về Hà Nội, Bác Hồ chúc lực lượng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy một câu thấm thía: “Nhân dịp năm mới, Bác mong các chú thất nghiệp…”.
Mong "thất nghiệp" quanh năm
Cùng với sự lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (PCCC - CNCH) cả nước, trong từng giai đoạn lịch sử, Cảnh sát PCCC - CNCH Đắk Lắk đã không ngại hy sinh, gian khổ, kiên cường, dũng cảm chiến đấu và chiến thắng "giặc lửa", lập nên những chiến công đáng tự hào, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn, an sinh xã hội.
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, lực lượng PCCC Đắk Lắk được thành lập với 28 cán bộ, chiến sĩ cùng 4 xe chữa cháy và một số phương tiện thô sơ.
Trải qua gần nửa thế kỷ phấn đấu, trưởng thành với những tên gọi, mô hình tổ chức khác nhau và giao nhiệm vụ mới - năm 2010, lực lượng PCCC được Bộ Công an giao thêm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ (CNCH). Theo đó, biên chế quân số, trang thiết bị được tăng cường để đáp ứng nhiệm vụ chính trị, với 11 đội trực thuộc và 15 đội thuộc Công an cấp huyện, 35 xe chữa cháy, CNCH, các loại xe chuyên dùng cùng nhiều phương tiện PCCC - CNCH khác.
Lực lượng cảnh sát PCCC - CNCH diễn tập chữa cháy và cứu nạn trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. |
Cơ sở vật chất phục vụ công tác huấn luyện, thực tập chữa cháy và CNCH từng bước được nâng cấp… Cán bộ, chiến sĩ PCCC - CNCH được đào tạo chính quy, bản lĩnh, trí tuệ, dũng cảm và yêu nghề, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, thi đua khắc phục khó khăn, rèn đức luyện tài.
“Chúng tôi luôn phấn đấu, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ với những tố chất cần thiết của nghề PCCC - CNCH: mưu trí, dũng cảm nhưng tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu thương, nhân hậu… Tất cả vì cuộc sống bình yên của nhân dân”. Trung tá Trần Tuấn Thanh, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH (Công an tỉnh)
|
Trung tá Trần Tuấn Thanh, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH (Công an tỉnh) cho biết, để nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu người bị nạn trong nhiều tình huống, hằng năm đơn vị đã tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, thực tập phương án cho cán bộ, chiến sĩ.
Cùng với đó là làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo các cơ quan ban, ngành, đoàn thể và nhân dân thực hiện tốt các quy định quản lý nhà nước về PCCC.
Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Đẩy mạnh công tác kiểm tra công tác PCCC - CNCH để các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, hộ gia đình nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho người và tài sản, không để xảy ra cháy, nổ, tai nạn…
Nhờ đó, trong những năm gần đây số vụ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại. Nhưng 46 năm qua, toàn tỉnh vẫn xảy ra hơn 1.370 vụ cháy, làm 53 người chết, 51 người bị thương, thiệt hại trên 19.730 ha rừng trồng cây công nghiệp và các loại tài sản khác, ước tính hơn 234 tỷ đồng.
Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, từ năm 2010 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH (Công an tỉnh) đã điều động hơn 1.800 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 220 lượt phương tiện tham gia CNCH hơn 130 vụ việc, cứu được 102 người, tìm vớt được 132 thi thể nạn nhân.
Những hy sinh thầm lặng
Những cán bộ, chiến sĩ khi chọn cho mình nghề PCCC - CNCH là đã xác định con đường đầy chông gai, nguy hiểm với những khó khăn và cả hy sinh… Hầu hết những người làm nghề này đều không năm nào được đón giao thừa năm mới cùng những người thân, gia đình vì đều phải trực chiến.
Thiếu tá Đoàn Quyết Thắng, Đội trưởng Đội Chữa cháy và CNCH số 1 tâm sự: “Cũng có đôi lần chạnh lòng chứ, dịp Tết người ta xúng xính áo quần đẹp đi thăm người thân, bạn bè, còn lính chữa cháy và CNCH thì nhem nhuốc ôm vòi lăn lê chữa cháy hoặc toàn thân ám khí tử thi vì phải dầm mình dưới sông, hồ tìm vớt xác người bị nạn…”.
Cán bộ, chiến sĩ PCCC - CNCH tham gia đợt tập huấn nâng cao kỹ năng cứu nạn cứu hộ dưới nước. |
Thương tích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ lực lượng chữa cháy và CNCH là điều khó tránh khỏi. Có nhiều trường hợp không may, tai nạn nặng đã khiến cán bộ, chiến sĩ phải mang thương tật, đau đớn suốt đời. Như trường hợp của thương binh Nguyễn Văn Ánh, trong khi chỉ huy và trực tiếp tham gia chữa cháy một ngôi nhà trên đường Hoàng Diệu, TP. Buôn Ma Thuột (vào năm 2005) thì bất ngờ mái nhà bị sập hất anh từ trên cao xuống đất vỡ xương chậu…
Hiểm nguy, rủi ro là vậy, nhưng lính PCCC - CNCH không hề nản chí vẫn "say nghề", tiếp tục cống hiến... Mỗi cán bộ, chiến sĩ PCCC - CNCH luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, ngày đêm trực chiến để sẵn sàng “xung trận” chiến đấu với giặc lửa, vật lộn với những khó khăn, gian nguy mỗi khi xảy ra sự cố cần CNCH để góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Minh Huyền
Ý kiến bạn đọc