Multimedia Đọc Báo in

Sắc xanh miền biên viễn

08:27, 14/03/2022

Với đặc thù đóng quân trên địa bàn biên giới khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, thế nhưng, thời gian qua, Đồn Biên phòng Ia R’vê (đóng quân trên địa bàn xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) đã chủ động trong công tác tăng gia sản xuất và tự túc được phần lớn nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho bộ đội.

Đến thăm khu vườn tăng gia, chăn nuôi của Đồn Biên phòng Ia R’vê, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là dưới cái nắng hầm hập của mùa khô Tây Nguyên, những luống rau vẫn xanh mơn mởn, cá đầy dưới ao, gà, vịt, lợn, bò… béo núc. Dưới bàn tay của người lính, một vùng đất đầy sỏi đá đã biến thành những vườn rau xanh tốt, chuồng trại chăn nuôi tập trung khép kín, minh chứng cho sức sống mãnh liệt nơi vùng biên. Ai đến thăm, công tác tại Đồn Biên phòng Ia R’vê cũng cảm thấy thích thú với cảnh quan đơn vị xanh - sạch - đẹp, với những hàng cây xanh mát, những giàn hoa giấy, hoa rừng đang vào độ khoe sắc… được các cán bộ, chiến sĩ chăm chút từng ngày.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê chăm sóc vườn rau.

Ngoài công tác huấn luyện, tuần tra bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19, vào giờ nghỉ, ngày nghỉ, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và tăng gia sản xuất. Thượng úy Nguyễn Bá Giáp, Đội trưởng Kiểm soát hành chính - Đồn Biên phòng Ia R’vê cho hay: “Ở vùng biên giới xa xôi, khí hậu khắc nghiệt nên việc tăng gia sản xuất gặp khá nhiều khó khăn. Để cho rau xanh tốt, chúng tôi thường xuyên chăm sóc, tưới tắm cẩn thận và tỉ mỉ trong từng công đoạn. Để cải tạo đất sỏi đá cằn cỗi thành đất tơi xốp, chúng tôi tận dụng tối đa lượng phân chuồng chăn nuôi tại chỗ kết hợp với lá cây mục để ủ phân hữu cơ bón cho đất. Một trong những khó khăn ở đây là vào mùa khô, lượng nước phục vụ tăng gia thiếu. Do vậy, đơn vị đã chủ động khoan giếng, xây dựng bể chứa nước mưa và đào ao vừa trữ nước, vừa tận dụng nuôi cá”.

Thượng úy Nguyễn Bá Giáp, Đội trưởng Kiểm soát hành chính - Đồn Biên phòng Ia R’vê chăm sóc vườn thanh long.
 
Trong năm 2021, đơn vị đã tăng gia được gần 4 tấn rau củ quả các loại; 1,2 tấn thịt gia cầm, cá; 4 tấn thịt heo, bò; đưa vào bữa ăn thêm hằng ngày cho bộ đội hơn 3 nghìn đồng/người/ngày”.
 
Thượng tá Nguyễn Xuân Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia R’vê

Nhìn những luống rau xanh mơn mởn trên đất cằn đầy sỏi đá, chúng tôi càng hiểu sự nỗ lực của các anh. Vườn rau luôn bảo đảm tính gối vụ, đan xen để luôn có rau xanh phục vụ bộ đội và tận dụng hợp lý chất dinh dưỡng trong đất.

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia R’vê, hầu hết các đồn biên phòng đều đóng quân trên địa hình khó khăn, đất đai khô cằn, bạc màu, thời tiết khắc nghiệt, nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ ăn uống của bộ đội và giá cả có nhiều biến động, liên tục tăng cao. Trước thực tế đó, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất nhằm tạo nguồn thực phẩm tại chỗ để cải thiện đời sống bộ đội. Cán bộ chiến sĩ trong đồn đã phát huy nội lực, cải tạo đất đai, ao hồ, đẩy mạnh phát triển mô hình vườn - ao - chuồng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó giúp duy trì tỷ lệ quân số khỏe, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và cơ động thực hiện các nhiệm vụ đột xuất.

Giữa khô cằn sỏi đá, cây cối vẫn đơm hoa như chính những người lính quân hàm xanh, dù khó khăn vất vả, vẫn không hề lùi bước, đoàn kết gắn bó keo sơn, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng lực lượng quân đội vững mạnh, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.