Multimedia Đọc Báo in

Vang vọng bài ca người lính

06:08, 27/03/2022

Dù trong khói lửa chiến tranh hay khi trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh Mặt trận Tây Nguyên – Quân đoàn 3 vẫn gắn kết chặt chẽ tình đồng chí, đồng đội bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực, vẹn nghĩa.

Về thăm… nhà

Một ngày giữa tháng ba, Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 tổ chức cho các cán bộ cao cấp nguyên là lãnh đạo, chỉ huy đơn vị qua các thời kỳ về thăm lại chiến trường cũ.

Đáng chú ý, nhiều tướng lĩnh tuổi đã cao như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (97 tuổi), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ĐBQH, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Tư lệnh Quân khu 4; Trung tướng Tiêu Văn Mẫn (90 tuổi), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân đoàn 3, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân khu 5; Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, Trưởng Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3… vẫn tham gia cùng Đoàn. Đặt chân xuống miền đất đỏ bazan, các bác rưng rưng khi nhắc nhớ những kỷ niệm một thời lửa đạn…

Đoàn công tác Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 về thăm lại Sở Chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 ở huyện Ea H'leo. Ảnh: Đình Thi

58 năm trước, Bộ Chính trị quyết định thành lập Mặt trận Tây Nguyên, lấy phiên hiệu là B3. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chiến trường Tây Nguyên đã diễn ra nhiều trận đánh, chiến dịch lớn. Nhằm đáp ứng yêu cầu và mở rộng lực lượng giải phóng miền Nam, ngày 26/3/1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Quân đoàn 3, gồm hầu hết các đơn vị chủ lực đã tham gia giải phóng Tây Nguyên với tên gọi “Binh đoàn Tây Nguyên”. Đây là một trong 4 quân đoàn chủ lực cơ động của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xem Tây Nguyên như quê hương thứ hai, Trung tướng Tiêu Văn Mẫn bày tỏ: "Tây Nguyên trong ký ức của mỗi chúng tôi không thể phai mờ. Cảm ơn đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ lực lượng vũ trang Tây Nguyên, Quân đoàn 3 trong những thời điểm khó khăn, gian khổ và ác liệt nhất, để chúng tôi có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân tin tưởng giao phó. Chắc chắn rằng, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên trước đây và Quân đoàn 3 sau này, dù ở đâu, cương vị nào vẫn luôn hướng về mảnh đất này".

Còn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước gọi chuyến đi như là dịp "về lại nhà" thăm người thân, gia đình mình. Ông cho biết, Đoàn đã có sự tính toán kỹ khi đến Đắk Lắk vào đúng ngày kỷ niệm giải phóng Buôn Ma Thuột 10/3 và về lại chiến trường Tây Nguyên vào dịp 47 năm trước Quân đoàn 3 được thành lập. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước xúc động: “Chúng ta cùng ngồi đây để nhắc nhớ, tri ân công lao của quân và dân ta suốt chiều dài kháng chiến chống Mỹ, của nhân dân Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Tôi rất xúc động, tự hào khi mảnh đất mà mình luôn hướng về ngày càng có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt”…

Chung lòng hướng về đồng đội

Những người lính một thời vượt bao gian nan, khốc liệt của đạn bom đã may mắn trở về, mang theo biết bao kỷ niệm vui buồn. Tình đồng chí, đồng đội khắc sâu vào tâm khảm mỗi người nên tháng 3/1990, Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên - Quân đoàn 3 được thành lập. Sau 32 năm hoạt động, Ban liên lạc đã có hàng chục nghìn hội viên trên cả nước. Hằng năm, Ban liên lạc đều tổ chức gặp mặt, ôn lại truyền thống, chia sẻ niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống đời thường, luôn nhắc nhở nhau tiếp tục sống nghĩa tình, thủy chung với đồng chí, đồng đội.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ tâm tình khi về thăm lại Đắk Lắk. Ảnh: Q.Anh

Trung tướng Tiêu Văn Mẫn chia sẻ, hầu hết hội viên của Ban liên lạc đều tuổi cao nhưng không quản ngại khó khăn, khi có thông tin về mộ liệt sĩ vẫn hăng hái trở lại chiến trường xưa để tham gia tìm kiếm, cất bốc hài cốt đồng đội. Tính đến nay, cựu chiến binh Quân đoàn 3 đã tham gia tìm kiếm, bàn giao lại cho địa phương hơn 200 mộ đồng đội.

Ban liên lạc Sư đoàn 320 đã huy động nhiều tỷ đồng, hàng nghìn ngày công cựu chiến binh để xây dựng 4 nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ. Đó là hai nhà bia ở điểm cao 1049, 1015 thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum (hai nhà bia này đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt), Nhà bia Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ - Đức Cơ ở tỉnh Gia Lai (di tích lịch sử cấp tỉnh) và Nhà bia lưu niệm tại Căn cứ Đồng Dù, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Đây là những địa điểm đã diễn ra các trận đánh nổi tiếng của Sư đoàn 320 trong chiến tranh. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã anh dũng hy sinh, trong đó đến nay nhiều người vẫn chưa tìm được hài cốt.

Tại Đắk Lắk, được sự giúp đỡ của tỉnh, Ban liên lạc Sư đoàn 10 đã huy động cựu chiến binh trên cả nước, nhà hảo tâm hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn để xây dựng Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 (huyện M’Drắk). Chính nơi này đã từng ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 186 liệt sĩ trong trận đánh tiêu diệt Lữ dù 3 của địch trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú tâm tình: Hai năm qua, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, Dự án xây dựng khu di tích lịch sử cấp tỉnh “Sở Chỉ huy - Nơi công bố quyết định thành lập Quân đoàn 3” tại huyện Ea H’leo bị chậm tiến độ. Mong rằng, công trình sẽ sớm hoàn thành, Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên sẽ vận động hội viên, nhà hảo tâm cùng tham gia xây dựng công trình nhằm góp phần tri ân đồng đội...

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.