Multimedia Đọc Báo in

Nặng nghĩa tri ân

08:13, 07/06/2022

Mùa khô năm 2021 - 2022, tuy phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, địa hình, địa vật đổi thay, nhân chứng người còn, người mất…  song các cán bộ, chiến sĩ Đội K51 (Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đắk Lắk) vẫn vượt qua, quy tập được 15 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia về nước…

Những đôi chân vạn dặm

Sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, cuối năm 2021, được sự đồng ý của chính quyền nước bạn, các cán bộ, chiến sĩ Đội K51 tiếp tục hành quân sang tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam. Tuy đã tiêm phòng, cách ly đầy đủ song do quy định phòng, chống dịch nghiêm ngặt của Quân đội Hoàng gia Campuchia, thay vì được bố trí ăn ở, sinh hoạt tập trung trong khuôn viên doanh trại của Bộ CHQS tỉnh Mondulkiri như trước đây, Đội K51 phải chủ động liên hệ, tìm chỗ ở mới bên ngoài.

Với phương châm “khó khăn đến đâu, khắc phục đến đấy”, sau khi thuê được một khu nhà tạm nằm biệt lập trên một quả đồi, bộ đội nhanh chóng cải tạo, sửa chữa, bố trí khu hương khói, thờ tự, xây dựng hàng rào, nhà ăn, nhà bếp, nhà kho, công trình phụ, rồi tranh thủ thời gian thu thập, khớp nối thông tin, tỏa về các hướng bắt đầu cuộc tìm kiếm.

Học sinh và người dân đứng chờ và vẫy cờ đón đoàn xe chở hài cốt liệt sĩ tại cầu Sê rê poosk.

Ngày thứ 12 trên đất bạn, đội nhận được nguồn tin từ Ban CHQS huyện Petchanda (Bộ CHQS tỉnh Mondulkiri) về việc phát hiện trên một bãi đất trống nằm cạnh đường dầu của quân đội Mỹ ngày xưa có nhiều dấu vết xe tăng, xe bọc thép và các phiến đá nhỏ được xếp ngay ngắn, quay đầu về hướng Việt Nam. Tổ công tác do Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm, Đội trưởng Đội K51 chỉ huy vội vã lên đường, tiếp cận hiện trường. Sau khi phát quang, dọn dẹp sơ bộ, các cán bộ, chiến sĩ tìm thấy một khoảnh đất nhỏ, khá vuông thành sắc cạnh, rộng bằng chiếc chiếu đơn, hơi lõm xuống so với xung quanh. Linh tính mách bảo đây chính là phần mộ liệt sĩ, các chiến sĩ quyết định đào bới, kiểm tra. Dưới lớp đất sâu, ngoài những mảnh xương, răng, tăng võng, cà mèn, cúc áo, dây súng, dép cao su, các chiến sĩ còn tìm thấy rất nhiều di vật, hiện vật, là hành trang không thể thiếu của bộ đội ta trong những năm kháng chiến. Xúc động nghẹn ngào, cả đội cứ thế ôm nhau khóc.

Mondulkiri là tỉnh miền núi nằm ở Đông Bắc Campuchia, mật độ dân cư thưa thớt, giao thông rất khó khăn. Trên hành trình đi tìm đồng đội, các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phải băng rừng, vượt suối, mở đường để tiếp cận các khu vực trước đây bộ đội ta từng sống và chiến đấu. Hành trang trong mỗi chuyến đi của các anh, ngoài những lá cờ Tổ quốc, vải liệm, quân tư trang, cuốc xẻng, bản đồ, la bàn, lương thực, thực phẩm còn có thêm những lọ thuốc chống muỗi đốt, côn trùng, rắn cắn. Đang giữa mùa khô nhưng hầu như tuần nào trên đất bạn cũng có mưa rào. Để đảm bảo nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, các chiến sĩ thường xuyên phải đào những chiếc hố to, lót vải bạt, che chắn xung quanh cẩn thận, rồi múc nước sông, nước suối đổ vào bể dã chiến, chờ bùn đất lắng xuống mới đem dùng dần. Có hôm, đang giữa đêm khuya gió mát, trăng thanh, cả đội bỗng giật mình bởi những tiếng ầm ào dội về từ đỉnh núi. Trong tích tắc, nước lũ đã dâng cao, chia cắt tất cả mọi lối đi. Nhờ luôn trong tâm thế sẵn sàng, cảnh giác, toàn bộ hài cốt liệt sĩ, tư trang, hành lý đều được các anh chuyển hết lên cao, an toàn, đảm bảo.

Gần dân, gắn bó với dân, qua thời gian, cán bộ, chiến sĩ trong đội đều có thể nói thông, viết thạo, giao tiếp bình thường với bà con địa phương. Thương quý bộ đội Việt Nam, có củ khoai, củ sắn, nắm xôi bà con cũng nhắc nhau để phần. Đáp lại tình cảm chân thành ấy, hằng năm, đội đều tổ chức các đợt thăm khám, chữa bệnh, tặng quà, cấp thuốc cho người dân nước bạn.

Cán bộ, chiến sĩ tất bật chuẩn bị cho lẽ viếng, truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, chỉ trong một thời gian ngắn, Đội K51 đã tiếp nhận, sàng lọc, đối chiếu, xác minh được trăm nguồn tin có giá trị của chính quyền và nhân dân nước bạn về những khu vực nghi ngờ có phần mộ của bộ đội Việt Nam. Tuy nhiên, đã không ít lần, sau nhiều ngày phá núi, mở đường tìm cách tiếp cận hiện trường, các anh phải buồn bã quay về, bởi sau gần 50 năm giải phóng, địa hình, địa vật năm xưa đã đổi khác hoàn toàn. Cũng có lúc, trên những nông trường cao su, cà phê bạt ngàn của các công ty, doanh nghiệp bạn, các anh tìm được rất nhiều mảnh vỡ bình tông, dép lốp, tăng võng, bia mộ, thẻ bài của bộ đội ta, song do lớp đất mặt đã bị san ủi, cày xới nhiều lần, nên dấu tích các phần mộ liệt sĩ đến nay vẫn chưa thể tìm ra.

Mới đây, có một nhóm cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đã liên lạc cung cấp thông tin, sơ đồ bản vẽ về vị trí chôn cất 59 liệt sĩ Việt Nam hy sinh trong trận tập kích vào một căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy đồn trú trên địa bàn huyện Keosama cuối năm 1970. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, đào bới trên một diện tích rộng hàng chục héc-ta, đơn vị vẫn chưa tìm được hố chôn tập thể này. Hiện nay, các chiến sĩ đang cố gắng liên hệ, khớp nối thông tin với những người từng ở “phía bên kia”, và các cựu chiến binh, chuyên gia Việt Nam từng sống, chiến đấu tại khu vực này trong những năm kháng chiến, để trong mùa khô tới, có thể cất bốc, quy tập, hồi hương các liệt sĩ trên. 

Thượng tá Đỗ Văn Thiệu, Chính trị viên Đội K51 cho biết: “Các phần mộ của bộ đội ta hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cách đây khoảng 50 năm nên việc lấy mẫu sinh phẩm để các cơ quan chức năng giám định ADN, xác định danh tính rất khó khăn. Trong 15 phần mộ quy tập được mùa khô năm nay, ngoài các hiện vật, di vật quen thuộc của bộ đội, chúng tôi còn tìm thấy một nửa cây bút máy có khắc chữ “Ngọc Chút. 27-9-66”. Hy vọng từ manh mối này, sẽ có thêm các thông tin về thân nhân, gia đình của liệt sĩ. Để đẩy nhanh tiến độ, có đợt, cả đội chia thành 7 hướng, tỏa về các huyện, xã của bạn, tích cực tìm kiếm suốt một thời gian dài. Thêm một hài cốt được tìm thấy, chúng tôi càng có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục những phần việc thiêng liêng, nặng nghĩa tri ân”.

Cán bộ, chiến sĩ Đội K51 tham gia phục vụ trong lễ viếng, truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ.

Sáng 12/5/2022, tại Senmonorom (tỉnh Mondulkiri), chính quyền và nhân dân tỉnh bạn tổ chức dâng hương, dâng hoa tiễn đưa 15 hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam do Đội K51 tìm kiếm, cất bốc, quy tập được về nước. Trên hành trình gần 200 km từ nước bạn về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk, nhiều lần đoàn xe chở hài cốt liệt sĩ phải đi chậm lại hoặc dừng hẳn lại để người dân các địa phương vẫy chào, thắp hương từ biệt các anh.

Sau một mùa khô trọn nghĩa, vẹn tình trên đất bạn, về lại Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ Đội K51 tiếp tục chạy đua với thời gian, thu thập, xử lý thông tin, tư liệu, chuẩn bị tư trang, phương tiện, sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng là mệnh lệnh không lời, thôi thúc các anh luôn vững bước trên hành trình mới.

Lê Hà


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.