Multimedia Đọc Báo in

Chuyện của những “phi công mặt đất”

07:09, 25/09/2022

Trong cuộc diễn tập hiệp đồng quân binh chủng sắp diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 2, ngoài các lực lượng bộ binh, pháo binh, công binh, trinh sát, phòng không, không quân, tăng thiết giáp, hóa học, thông tin, dân quân tự vệ… còn có sự tham gia của các “quân xanh” - là những “phi công mặt đất”, làm nhiệm vụ điều khiển máy bay mô hình liên tục quần lượn, bắn phá, do thám, thu thập thông tin, hình ảnh, hành động của các “quân đỏ”.

Sáng sớm, khi các lực lượng đang tích cực chuẩn bị huấn luyện, hợp luyện, đánh địch đổ bộ đường không, thì tại tọa độ X, trên “sân bay dã chiến”, cán bộ, nhân viên Tổ mục tiêu (cơ quan Chủ nhiệm Phòng không, Bộ Tham mưu Quân khu 5) cũng tất bật với việc lắp ráp thân đuôi, cánh quạt, động cơ, bơm xăng, sạc điện, kiểm tra tình trạng kỹ thuật của những chiếc máy bay mô hình, sẵn sàng xuất kích thực hiện nhiệm vụ.

Từ đài quan sát, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN)Trịnh Minh Thạch, nhân viên tiêu đồ phòng không, Tổ trưởng Tổ mục tiêu thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình huống, giai đoạn chiến đấu để điều hành bay theo đúng ý định của cấp trên. Dưới sự điều khiển của các chiến sĩ “quân xanh”, những chiếc máy bay mô hình cứ nối đuôi nhau bay vút lên bầu trời, ném bom, phóng đạn, đổ quân, khiêu khích bộ đội ta. Chiếc này vừa hạ xuống, chiếc khác lại tiếp tục bay lên, tạo nên những tiếng o… o… o… như đàn ong vỡ tổ.

Tổ Mục tiêu kiểm tra tình trạng kỹ thuật, nạp nhiên liệu cho các mô hình bay.

Trung úy QNCN Võ Tuấn Anh, nhân viên Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn Pháo phòng không 573, thành viên Tổ mục tiêu cho biết: “Mô hình bay M94, có trọng lượng khoảng 3 kg, sử dụng nhiên liệu là cồn sinh học. Còn mô hình bay M96, có trọng lượng gần 15 kg, sử dụng nhiên liệu là xăng pha nhớt. Trung bình, sau khoảng 15 - 20 phút hoạt động, các máy bay phải quay về căn cứ để nạp nhiên liệu và kiểm tra tình trạng kỹ thuật. Quá trình điểu khiển mô hình bay, các “phi công” phải nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật của phương tiện, khu vực bố trí các bãi nổ, quả nổ, đường đạn của bộ binh và các loại hỏa lực, đồng thời ước lượng chính xác cự ly, phạm vi, thời gian bay, tránh để máy bay bị hết nhiên liệu dọc đường hoặc bay ra ngoài tầm kiểm soát. Ngoài diễn tập hiệp đồng quân binh chủng, hằng năm chúng tôi còn cơ động, tham gia phục vụ trong các cuộc diễn tập thực binh có bắn đạn thật của các cơ quan, đơn vị, địa phương khác trên địa bàn Quân khu. Anh em trong tổ là cán bộ, nhân viên của nhiều cơ quan, đơn vị được cấp trên triệu tập về phân công, giao nhiệm vụ. Được rèn luyện, thực hành thường xuyên nên trình độ của các “phi công” không ngừng được nâng cao. Nhiều đồng chí đã có kinh nghiệm bay lên đến hàng nghìn giờ”.

Thông thường, mỗi khi cất cánh, những chiếc máy bay mô hình sẽ phải tạo đà trên nền đất hoặc nền bê tông khoảng 20 – 30 m, tuy nhiên khi thực hiện nhiệm vụ ở địa hình rừng núi hoặc trên biển, không đáp ứng đủ điều kiện về “sây bay”, “bãi đỗ”, những chiếc máy bay sẽ được “phi công mặt đất” dùng chính sức mình để phóng lên bầu trời. Theo Thiếu tá QNCN Trần Hải Quân, nhân viên điều khiển mô hình máy bay không người lái Sư đoàn Phòng không 375 (Quân chủng Phòng không - Không Quân), việc phóng các mô hình bay từ ô tô, tàu thuyền đang cơ động vốn đã khó, song để đưa chúng quay trở lại vị trí xuất phát ban đầu một cách an toàn, lành lặn lại càng khó khăn hơn gấp bội. Nếu tính toán không kỹ, mô hình bay có thể lao xuống mặt đất, mặt biển, hư hỏng hoàn toàn, vừa thiệt hại về kinh tế, vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong “cái khó ló cái khôn”, bằng những chiếc lưới bẫy chim rẻ tiền căng tạm trên ô tô, tàu thuyền, các “phi công” có thể dễ dàng điều khiển cho máy bay mô hình lao vào đó một cách an toàn tuyệt đối.

Một chiếc máy bay mô.hình được các chiến sĩ phóng lên bầu trời

Tuy đã kiểm tra, chuẩn bị rất chu đáo, kỹ càng trước mỗi chuyến bay, song đã không ít lần các “phi công” phải mất ăn, mất ngủ bởi mô hình bay gặp sự cố mất tín hiệu, trục trặc động cơ, va phải chim trời, bay vào vùng có không khí nhiễu động, lốc xoáy, mưa to, thậm chí trúng đạn của “quân đỏ”… nhẹ thì rách đuôi, hỏng cánh, nặng thì hư hỏng hoàn toàn, không thể sửa chữa, khắc phục được. Dù bị rơi vì bất cứ lý do gì, các mô hình bay đều được “phi công” tìm về để điều tra, làm rõ nguyên nhân, hạn chế thấp nhất thiệt hại, rủi ro trong những lần xuất kích về sau. Với kinh nghiệm thực tế đúc rút được sau nhiều năm công tác, hiện nay, các “phi công” có thể tự tay gia công, sản xuất được toàn bộ phần thân vỏ của các loại mô hình bay, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Kết thúc nhiệm vụ, các mô hình bay sẽ được tháo rời, lau chùi, bảo quản cẩn thận theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

“Ăn cơm mặt đất, làm việc trên trời” là cách ví von đầy hình ảnh của các thành viên Tổ mục tiêu khi nói về công việc của mình. Được góp phần vào thành công chung của cuộc diễn tập là niềm vui, hạnh phúc của các “phi công mặt đất”.

Nguyễn Thuận An Khang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.