Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực thu hồi vũ khí tự chế ở khu vực biên giới

06:06, 18/12/2022

Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý, thu hồi vũ khí tự chế ở địa bàn khu vực biên giới.

Từ năm 2020 đến nay, lực lượng BĐBP tỉnh đã vận động thu hồi trên 110 khẩu súng các loại, 46 viên đạn, 2 quả đạn cối và nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ khác; riêng trong 6 tháng năm 2022 đã thu hồi 43 khẩu súng tự chế cùng đạn các loại (trong đó, có 2 khẩu súng quân dụng, 6 súng ka lip, 6 súng kíp, 25 khẩu súng cồn cùng nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ khác…).

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) là một trong những "điểm nóng” về tình trạng chế tạo, sử dụng và tàng trữ vũ khí tự chế. Trong đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ do BĐBP tỉnh triển khai vừa qua, địa phương này là địa bàn có số lượng vũ khí được thu hồi nhiều nhất với 10 khẩu súng các loại, trong đó có 1 khẩu quân dụng, 9 khẩu súng bắn đạn hơi côn, 2 lượng nổ với trọng lượng 0.5 kg, 2 kíp nổ, 1 mã tấu.

Đại úy Nguyễn Viết Thanh, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Ia R’vê cho biết, xã Ia R'vê nằm giáp ranh với rừng phòng hộ và Vườn Quốc gia Yok Đôn. Theo thói quen, một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thường chế tạo một số loại súng để vào rừng săn bắn chim rừng. Nhận thức, hiểu biết về các quy định pháp luật của người dân còn hạn chế, nhiều người không biết việc tự chế tạo và sử dụng súng là vi phạm pháp luật. Việc vận động bà con giao nộp vũ khí, vật liệu nổ tàng trữ trái phép gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp chống chế, hoặc cất giấu vũ khí tự chế ở trên nương rẫy, trong rừng.

Trước những khó khăn đó, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Ia R’vê đã tổ chức rà soát từ các nguồn tin, rà soát từng đối tượng, sau đó lập danh sách, tiến hành vận động thuyết phục với nhiều biện pháp, hình thức. Một trong số những biện pháp có sức răn đe, đó là tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ.

Người dân tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế.

Trong đợt cao điểm vừa qua, các đơn vị trong BĐBP tỉnh đã tổ chức phát động tuyên truyền tập trung 27 buổi với hơn 1.300 lượt người tham gia, tổ chức được 24 ngày tuyên truyền lưu động bằng xe chuyên dụng, phát hơn 1.000 tờ rơi, treo hàng trăm pa nô, áp phích… trên địa bàn 4 xã biên giới.

Mềm dẻo và khôn khéo, các đội vận động địa bàn cũng tận dụng tối đa sự ủng hộ của chính quyền, uy tín của các già làng trưởng buôn, người có uy tín tại địa phương. Số lượng vũ khí, vật liệu nổ và phương tiện hỗ trợ mà BĐBP tỉnh thu hồi được liên tục tăng qua các năm.

Đại tá Vương Trường Nam, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới tình trạng tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ ở khu vực biên giới còn diễn biến phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị quán triệt, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống các loại tội phạm liên quan đến tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nói riêng. Trong đó, chú trọng quản lý chặt chẽ đối tượng, địa bàn, xây dựng kế hoạch cao điểm, không để hình thành khu vực phức tạp về an ninh trật tự ở khu vực biên giới; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đặc biệt, phối hợp với cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền để bà con nhận thức được tác hại nguy hiểm của việc tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Nguyễn Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.