Chiến sĩ “mũ nồi xanh Khu 5” ở Nam Sudan
Đầu năm 2020, khi đang công tác tại Khoa điều dưỡng - cấp cứu (A12, Bệnh viện Quân y 17, Cục Hậu cần, Quân khu 5), Thượng úy QNCN Huỳnh Văn Khánh được cử đến Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) tham gia khóa tập huấn đặc biệt của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại Nam Sudan (UNMISS).
Trong thời gian 14 tháng, ngoài việc được huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, khả năng sơ, cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân bằng đường không; cách xử lý các sự cố có thể gặp phải trong quá trình vận chuyển bệnh nhân bằng máy bay trực thăng, máy bay phản lực; tiếng Anh chuyên ngành, tiếng Anh giao tiếp…, anh Khánh cùng các y, bác sĩ còn được phổ biến, quán triệt rất kỹ về các quy định của Liên hiệp quốc; chức trách, nhiệm vụ, sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình; nét đẹp văn hóa, những điều cấm kị trong quá trình giao tiếp, làm việc với chính quyền, lực lượng vũ trang và người dân Nam Sudan.
Vượt qua các vòng khám tuyển, kiểm tra nghiêm ngặt, khắt khe, tháng 4/2021, anh Khánh khoác ba lô lên đường thực hiện nhiệm vụ. Bệnh viện cấp 2 số 3 tại Nam Sudan nơi anh công tác nằm ở vùng trũng, tuy không có giao tranh, chiến sự nhưng điều kiện ăn ở, sinh hoạt rất khó khăn, thiếu thốn. Do môi trường sống quá chật chội, ô nhiễm, người dân ở đây thường xuyên bị tiêu chảy, kiết lỵ và sốt rét. Để phòng, chống dịch bệnh, cứ hai ngày một lần, bệnh viện lại tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn, diệt lăng quăng song cũng chỉ hạn chế được phần nào.
Thượng úy QNCN Huỳnh Văn Khánh (cầm cờ Tổ quốc) trong lễ xuất quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nếu không có nhiệm vụ, các y, bác sĩ tuyệt đối không được ra khỏi khuôn viên bệnh viện. Do tính chất công việc, lại chênh lệch múi giờ, nên các chiến sĩ rất ít khi được nói chuyện trực tiếp với gia đình, vợ con qua màn hình điện thoại. Thượng úy QNCN Huỳnh Văn Khánh kể: “Bệnh viện cấp 2 số 3 có nhiệm vụ thăm khám, điều trị bệnh cho các cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại Nam Sudan. Giai đoạn cao điểm, cùng lúc, bệnh viện tiếp nhận, điều trị nội trú cho hàng chục bệnh nhân của rất nhiều quốc gia khác nhau. Mới về bệnh viện được hai ngày thì tôi và tổ cấp cứu nhận lệnh khẩn trương cơ động đến Bệnh viện dã chiến cấp 2+, do lực lượng gìn giữ hòa bình của Ấn Độ đảm nhiệm, nằm ở Ju Ba, cách đó khoảng 300 km để tiếp nhận bệnh nhân. Với áo giáp, mũ sắt, cáng khiêng, túi thuốc, chúng tôi nhanh chóng lên đường. Chuyến bay thành công tốt đẹp, tôi và ê kíp được lãnh đạo bệnh viện biểu dương, đánh giá rất cao”.
Do không có máy bay y tế chuyên dụng, nên mỗi lần cơ động, tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, anh Khánh và đồng nghiệp phải mang theo rất nhiều vật tư, trang bị. Công tác chuẩn bị bệnh nhân trước khi lên máy bay cũng được tiến hành rất khẩn trương, chính xác. Nhiều bệnh nhân, do cơ địa yếu, lại có nhiều bệnh lý, bệnh nền, phải sử dụng xe thiết giáp để vận chuyển, mất rất nhiều thời gian. Khi bay qua các vùng chiến sự, cảm giác bất an luôn thường trực, vì ở Nam Sudan súng ống, đạn dược rất nhiều. Tuy có hai tổ cấp cứu, hoạt động luân phiên, song những ngày cao điểm, mỗi tổ phải bay 2 - 3 chuyến liên tục. Lương khô, trứng luộc là món ăn quen thuộc của các chiến sĩ quân y “mũ nồi xanh” trong quá trình cơ động thực hiện nhiệm vụ.
Tháng 7/2021, đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội ở Nam Sudan. Dưới cái nắng như đổ lửa, ngày ngày các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam vẫn phải mặc đồ bảo hộ, đeo mặt nạ, găng tay, áo giáp chạy đua với thời gian để cứu người. Gần 2 năm đã trôi qua, nhưng anh Khánh vẫn nhớ như in chuyến bay đêm từ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đến một căn cứ quân sự của Liên hiệp quốc cách đó gần 500 km để tiếp nhận một bệnh nhân là bác sĩ quân y mũ nồi xanh người Pakistan mắc COVID-19, biến chứng nặng. Nhờ được cấp cứu, điều trị kịp thời, sau khoảng 3 tuần, bệnh nhân đã bình phục, khỏe mạnh hoàn toàn. Những lời cảm ơn chân thành qua điện thoại của người đồng nghiệp Pakistan trong ngày vui xuất viện khiến anh Khánh và các thành viên trong tổ bay rất bất ngờ, xúc động.
Các chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 luyện tập nâng cao nghiệp vụ. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tuy công việc luôn căng thẳng, bận rộn và áp lực, nhưng đều đặn mỗi quý một lần, Phái bộ Gìn giữ hòa bình và chính quyền địa phương đều phối hợp tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, pic-nic, dã ngoại, trồng cây để chiến sĩ “mũ nồi xanh” của các nước và người dân Nam Sudan giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau. Từ những thùng gỗ đựng quân trang, vật tư y tế, thuốc men đã qua sử dụng, thi thoảng, bộ đội Việt Nam lại cùng nhau mày mò, đóng bàn ghế, giá sách gửi tặng trẻ em trong các khu tị nạn. Dưới những gốc bàng già khẳng khiu, cạnh những túp lều bạt cũ kỹ, ngày ngày những đứa trẻ nghèo vẫn vô tư hồn nhiên mải mê đọc sách trên những bộ bàn ghế gỗ do bộ đội Việt Nam trao tặng. Giữa vùng đất khô cằn, những mầm cây chùm ngây, loại rau thanh mát, một loài thuốc quý tự nhiên do anh Khánh và các thầy thuốc vất vả đưa sang luôn được người dân bản địa hân hoan đón nhận. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên đất khách, từ gạo nếp, lá dong, hạt đậu xanh và những nguyên vật liệu đông lạnh sẵn có, các chiến sĩ vẫn gói được bánh chưng, chả lụa để thết đãi anh em, bạn bè quốc tế.
Sau một năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, các thầy thuốc được đổi quân, về nước. Riêng anh Khánh và những thầy thuốc giỏi được Tổng Lãnh sự quán mời ở lại thêm một tháng để hỗ trợ, giúp đỡ những đồng đội vừa sang. Tấm Bằng khen của Bộ Tổng Tham mưu (Quân đội nhân dân Việt Nam) là phần thưởng xứng đáng dành cho anh sau những tháng ngày vất vả cứu người trên đất bạn.
Hà Lê
Ý kiến bạn đọc