Đối ngoại quốc phòng: Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Là một bộ phận của đối ngoại quốc gia, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại quốc phòng luôn được Đảng đặc biệt chú trọng, được coi là tuyến phòng thủ đầu tiên để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Xây dựng mối quan hệ thuận hòa
Thường xuyên gìn giữ, vun đắp mối quan hệ láng giềng tốt đẹp cũng chính là mục tiêu hướng đến của Việt Nam để có mối quan hệ thuận hòa, đường biên giới ổn định, hòa bình.
Trong những năm qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân tổ chức xúc tiến nhiều hoạt động đối ngoại biên phòng, biên giới, trong đó, tổ chức hàng nghìn cuộc tuần tra song phương, đẩy mạnh kết nghĩa đồn, trạm, cụm dân cư trên các tuyến biên giới, thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm quản lý biên giới, phối hợp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm xuất nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới.
Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk và Ty Công an tỉnh Mondulkiri (Campuchia) ký kết biên bản hội đàm. Ảnh: Ngọc Lân |
Tính từ năm 2012 đến nay, Bộ Quốc phòng đã tập trung chỉ đạo tổ chức thành công 7 lần giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, 1 lần giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào, 1 lần giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia. Mô hình này được nhân rộng, triển khai giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong năm 2023 và triển khai giao lưu hữu nghị biên giới ở cấp bộ đội biên phòng, cảnh sát biển.
Bám sát các hoạt động đối ngoại biên phòng, biên giới, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân tiến hành nền nếp, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại với các nước láng giềng. Tăng cường tuyên truyền về bộ đội giúp nhân dân khu vực biên giới xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; công tác biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân trên các tuyến biên giới; phối hợp giữa các đơn vị quân đội với các ban, bộ, ngành, địa phương trong công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trên các tuyến biên giới. Chủ động duy trì nền nếp, hiệu quả các biện pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội, phản động lợi dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại trật tự, an ninh biên giới và truyền thống quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Trong quan hệ với các nước khác trên thế giới, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với hầu khắp quốc gia và các tổ chức quốc tế (Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu...). Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động đối ngoại quốc phòng quan trọng. Tiêu biểu là các cuộc thăm giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam và lãnh đạo bộ quốc phòng các nước lớn, các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống; các cuộc đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng quốc phòng; các hội nghị quân sự - quốc phòng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020; các chuyến thăm của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam...
Một Việt Nam thiện chí, trách nhiệm
Chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc (GGHB LHQ) từ tháng 6/2014, đến nay Việt Nam đã cử hàng trăm lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và trụ sở LHQ. Phát huy tối đa trách nhiệm, năng lực trong gìn giữ và tái thiết hòa bình, bộ đội Việt Nam góp phần khẳng định vị thế, uy tín, hình ảnh của một quốc gia thân thiện, yêu chuộng hòa bình và có tinh thần trách nhiệm cao trong cộng đồng quốc tế.
Góp phần thông tin quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị toàn quân đã tích cực chỉ đạo lực lượng nòng cốt làm công tác đối ngoại quốc phòng đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá thành tựu đổi mới đất nước, kết quả công tác đối ngoại của Việt Nam. Toàn quân thông tin những đóng góp, sáng kiến của Việt Nam trên các diễn đàn quốc phòng, an ninh khu vực thông qua các đoàn ra, đoàn vào, tham gia hội thi, hội thao, hội thảo, triển lãm ở nước ngoài. Trong các hội nghị quốc phòng - quân sự ASEAN, quân đội đã duy trì tốt việc xây dựng các video clip giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, Quân đội nhân dân Việt Nam. Báo chí quân đội chú trọng thông tin về vai trò, vị thế, đóng góp của Việt Nam trong ASEAN, đặc biệt trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.
Song song với việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh, nét đẹp của đất nước, cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân phát hành, lưu hành, cung cấp các thông tin sai sự thật về Việt Nam. Các cơ quan báo chí quân đội kịp thời đăng phát các tin, bài đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội, phản động xuyên tạc tình hình đất nước, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, văn hóa, con người, Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các y, bác sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân xã Krông Tes, huyện Bet Chan Đa, tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Ảnh: Phan Diệm |
Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, những năm qua, Việt Nam đã tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động hợp tác quốc tế với các nước đối tác (tiêu biểu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN) trong việc khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tích cực phối hợp đăng, phát hàng nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự; tổ chức hàng chục cuộc triển lãm, chương trình giao lưu truyền hình, thi tìm hiểu, hội thảo, hội nghị nhằm thông tin, tuyên truyền về hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam. Qua đó, góp phần giới thiệu, khẳng định thiện chí, trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác quốc tế.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc